Người dân cẩn trọng với các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng
Hàng xách tay mua dễ như... rau
Dạo một vòng quanh các trang mạng xã hội, người dân không khó để tìm kiếm những món thực phẩm chức năng thông dụng trên Facebook với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo từng trang phân phối. Tất cả đều được quảng cáo là hàng chính hãng xách tay, do người thân, bạn bè, tiếp viên hàng không mua về. Muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều, giá càng rẻ.
Đơn cử như Vitamin E, viên bổ não, dầu cá, thuốc sụn khớp, vi cá mập… những loại thực phẩm chức năng có xuất xứ nhập ngoại bây giờ là loại sản phẩm mà rất nhiều người dân quan tâm sử dụng. Cũng chính vì nhu cầu cao như thế nên những kênh online bán các sản phẩm này, quảng cáo là hàng xách tay, được đánh giá là ăn nên làm ra. Tuy nhiên, theo quy định để bán các loại thực phẩm chức năng, thuốc, phải có đăng ký, có thương nhân chịu trách nhiệm cũng như sự giám sát chuyên môn.
Trên thực tế, những trang cá nhân đó rõ ràng không có ai kiểm soát. Người bán ngang nhiên bán, người mua vô tư mua, giá bán thì không biết đằng nào mà lần.
Lực lượng chức năng kiểm tra lô thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất sứ |
Trong vai một người khách mua hàng, phóng viên thử đặt 1 hộp Vitamin E của Kirkland tại một tài khoản FB được chào bán giá 420.000 đồng/hộp. Nếu mua 20 hộp sẽ còn giá 340.000 đồng/hộp và mua số lượng bao nhiêu cũng có ngay.
Khi được hỏi về giấy tờ, người bán cho biết vì hàng xách tay nên sẽ không có giấy tờ lưu hành, không có vỏ sản phẩm. Không cung cấp cụ thể nguồn gốc, không tem chống hàng giả, tem phụ khi mua những lọ thực phẩm chức năng dưới mác là hàng xách tay. Để phân biệt đâu là giả, đâu là thật, rõ ràng là điều không thể mà chỉ dựa vào… niềm tin.
Dạo quanh một vòng các mạng xã hôị, kiểm tra giá các mặt hàng này trên các trang khác, giá nào cũng có, giao động từ 320.000 - 500.000 đồng/hộp. Còn với các nhà thuốc nhập khẩu chính ngạch, mức giá dao động gần 600.000 đồng/hộp. Rõ ràng, sản phẩm được cho là xách tay rẻ hơn nhiều.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất một căn hộ trong khu đô thị Times City (Mai Động, Hoàng Mai), phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện gần 1 tấn bao bì, tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng, tương đương hàng triệu viên nén các loại. Toàn bộ số thuốc này được đựng trong các túi lớn, không có bao bì, nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh kinh doanh hợp pháp sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.
Cơ quan công an đã xác minh, làm rõ chủ lô hàng này bà N.T.K.A (32 tuổi), trú tại một căn hộ ở tòa Park9, khu đô thị Times City. Theo khai nhận ban đầu của bà A, đây là các loại thuốc, thực phẩm chức năng có tác dụng lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa.
Số thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng phát hiện |
Qua điều tra, xác minh ban đầu, đối tượng này sử dụng một số căn hộ cao cấp để làm điểm tập kết hàng hóa, bán hàng, phân phối sản phẩm qua mạng xã hội Facebook với tài khoản Kiều Anh Nguyên (Elly San).
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết để phát hiện vụ việc này, lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian đeo bám, xác minh, điều tra. Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm trữ, chứa hàng hóa từ nơi này sang nơi khác, thậm chí chỉ cần vài tiếng là toàn bộ hàng, nguyên liệu thuốc đã được đóng thùng chuyển đến nơi mới để xóa dấu vết.
Cũng theo ông Nghĩa, lực lượng chức năng đang tiếp tục làm việc với chủ hàng về các điểm tập kết, trữ, chứa hàng hóa đã sử dụng để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.
Mỗi người dân hãy là một nhà tiêu dùng thông thái
Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, trong 2 năm qua có gần 60 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử phạt với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên các mạng xã hội là gian lận. Thông tin này được đưa ra trong hội nghị, do cục an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức. Thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng - được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau từ: chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch... và cả bệnh ung thư.
Người dân nên cẩn trọng với các loại thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng |
Những loại thực phẩm chức năng giả này, trước đây chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hiện nay đã thành quy mô công nghiệp. Đáng lưu ý hơn, thực phẩm chức năng giả không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc nó sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong giai đoạn đầu, song khi sử dụng càng lâu, nó sẽ khiến tổn thương nghiêm trọng đến thận gây ra nhiều chứng bệnh về tiêu hóa nhất là đối với người đang điều trị bệnh nền thì việc này ảnh hướng rất lớn đến tính mạng của người sử dụng.
Có thể thấy, việc làm giả các thực phẩm chức năng, thậm chí là thuốc điều trị bệnh không phải là vấn đề mới, song do nhu cầu mua trên mạng gia tăng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, nên việc kiểm chứng trực tiếp là rất khó, vì vậy việc tiêu thụ những sản phẩm thuốc giả này cũng trở lên dễ dàng hơn.
Do đó, để tránh mua phải thuốc giả, người dân phải hết sức cảnh giác, khi có bệnh người dân cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị, không được lên mạng tự ý mua thực phẩm chức năng về sử dụng. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua bất kì sản phẩm nào.