Nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi vào mùa du lịch
Nguyên nhân dễ gây ngộ độc
Tình trạng ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra khi đi du lịch vì khi đi đến những vùng đất mới mọi người thường có thói quen thưởng thức món ăn mới. Chính sự mới, lạ, không hợp nên nhiều người bị rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng hoặc quán ăn không tuân thủ quy định vệ sinh thực phẩm hoặc không chế biến thực phẩm đúng cách, dẫn đến sự lây lan của vi khuẩn và chất độc tố trong thực phẩm.
Mùa hè thường là mùa cao điểm du lịch trong năm |
Mặt khác, du khách tiếp xúc với nguồn nước không an toàn, nhất là ở những nơi chưa được xử lý hoặc có nhiều vi khuẩn, cũng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, lý do bất cẩn khi lưu trữ thực phẩm cũng có thể gây ra ngộ độc. Chẳng hạn nếu thực phẩm không được lưu trữ ở nhiệt độ đúng hoặc được đóng gói và vận chuyển đầy đủ, nó có thể trở nên ôi thiu và gây ngộ độc cho người dùng.
Theo thống kê sơ bộ, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (38,7%), tiếp đến là độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%) và các nguyên nhân khác.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch
GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K) cho biết, thói quen ăn lẫn nhiều loại thực phẩm cùng lúc cũng gây hậu quả xấu cho đường tiêu hóa.
“Một số món hải sản dù là thức ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng cũng chính là nguồn gốc gây bệnh. Chúng ta nên ăn thực phẩm đã được nấu chín. Nếu hải sản đã ươn thì nên bỏ, bởi dù có được nấu chín thì một số loại vi rút vẫn tồn tại.
Khi đi du lịch, thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước, men tiêu hóa... là những thứ luôn phải có trong va ly. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nên uống dung dịch điện giải để bù nước, sau đó tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị” - GS.TS Lê Thị Hương chia sẻ.
PGS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết khi đi du lịch, do không có điều kiện tự chuẩn bị đồ ăn mà phải ăn ngoài tại các nhà hàng nên nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
Du lịch là dịp để mọi người thưởng thức các món đặc sản địa phương |
Do vậy, người dân có thể áp dụng một số cách để tránh ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch như: Lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín; tránh ăn những thực phẩm tươi sống, chín không đầy đủ, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.
Bên cạnh đó, du khách nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng; điều chỉnh khẩu vị dần dần với thực phẩm địa phương.
Đặc biệt, người dân không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần; uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch; tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, du khách nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày.
Nhiều gia đình có thói quen đi du lịch tự nấu nướng thì cần giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền; nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn; dùng nước xà phòng nóng để rửa dao thớt, đồ dùng làm bếp... có thể giúp tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Những lưu ý khi đi du lịch cùng trẻ nhỏ
Đặc biệt khi đi du lịch với trẻ em, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ trước tiên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ; nhắc nhở, giám sát trẻ thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi; vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc các bề mặt và sau khi đi đường về.
Những lỗi phổ biến trong ăn uống của cha mẹ khi cho trẻ đi du lịch như: Sử dụng quá nhiều sản phẩm ăn dặm được chế biến sẵn. Đối với những trẻ lớn hơn, thức ăn lạ và mới cũng là một vấn đề hay gặp của bé; có những bé khi gặp những thức ăn mới lạ thì hấp dẫn kích thích ăn được nhiều hơn.
Khi đi du lịch, thói quen ăn lẫn nhiều loại thực phẩm cùng lúc cũng gây hậu quả xấu cho đường tiêu hóa |
Tuy nhiên, cha mẹ không nên để cho bé ăn quá nhiều một loại thực phẩm vì có thể bé bị dị ứng, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu hóa...
Bên cạnh đó, bé không ăn đủ và cân bằng 5 nhóm thực phẩm: Tinh bột, đạm, dầu mỡ, rau xanh và quả chín, sữa. Đặc biệt, trẻ uống quá nhiều nước ngọt bởi nước ngọt là nguyên nhân khiến cho trẻ biếng ăn, đầy bụng, dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Không đảm bảo ăn chín, uống sôi cho trẻ do một số khu du lịch có những món ăn tái, sống do có thể gây rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn tiêu hóa cho trẻ.
Khi có dấu hiệu bất thường như nôn, tiêu chảy kèm sốt sau khi tiếp xúc với các yếu tố có nghi ngờ, trẻ cần được thăm khám và điều trị kịp thời; tránh bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải. Trong trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Nỗi lo quà vặt bủa vây cổng trường TTTĐ - Lâu nay, những loại thực phẩm bày bán ở hàng rong trước cổng trường vẫn luôn là mối lo về mất an toàn ... |
Cảnh báo trẻ ngộ độc do uống quá liều vitamin D TTTĐ - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị bệnh nhi 6 tháng tuổi bị ngộ độc vitamin D. |
Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng TTTĐ - Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc. ... |