Nguy cơ ngộ độc khi tuỳ tiện sử dụng thuốc đông y, rượu thuốc chữa bệnh
Thuốc đông y, các bài thuốc dân tộc "nhiều không" bán tràn lan trên mạng xã hội
Ngành Y học Việt Nam nổi tiếng vì thừa kế những môn thuốc hay, bài thuốc quý, những kinh nghiệm chữa bệnh của đội ngũ thầy thuốc, lương y, ông lang, bà mế, bài thuốc gia truyền chữa bệnh hiệu quả và có giá trị quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều loại thuốc y học gia truyền không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng được quảng cáo tràn lan trên tivi và mạng xã hội theo kiểu “nhà tôi ba đời”.
Người dân tìm đến thuốc đông y vì cho rằng thuốc lành tính, ít tác dụng phụ so với thuốc tân dược, thậm chí nhiều người cho rằng nếu không có tác dụng chữa bệnh thì cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể theo kiểu “không bổ dọc thì bổ ngang”.
Cơ quan chức năng thu giữ một số lượng lớn thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Hiện nay, thuốc gia truyền được chào bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội (MXH). Với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng, người mua dễ dàng mua thuốc gia truyền chữa nhiều loại bệnh.
Không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký lưu hành, không niêm yết rõ thành phần điều chế…, những loại thuốc điều trị này chủ yếu do những người từng mắc bệnh truyền tai nhau hoặc nhà thuốc online trên mạng "bán sao dùng vậy".
Tình trạng này là rất đáng lo ngại vì chất lượng thuốc không được kiểm chứng trong khi cơ quan chức năng khó kiểm soát các vi phạm.
Khoảng hàng nghìn trang mạng quảng cáo bán các loại thuốc gia truyền, từ thuốc chữa đau dạ dày, thuốc tăng cân, thuốc xương khớp đến thuốc trắng răng, đẹp da, chữa hiếm muộn, thuốc bảo vệ “hạnh phúc gia đình”...
Loại thuốc nào cũng quảng cáo, bài thuốc gia truyền của mình được bào chế “từ thảo dược quý hiếm”, “không độc hại với cơ thể”, “không hết bệnh hoàn lại tiền” đi kèm hình ảnh người bệnh đã khỏi với lời cảm ơn, địa chỉ, số điện thoại.
Nhập viện vì tuỳ tiện sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc
Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc và ngộ độc thuốc đông y ngày một gia tăng trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Bệnh nhân hay đi bốc thuốc để chữa trị các bệnh như gan mật, thận tiết niệu, cơ xương khớp, ung thư… hay những bệnh thông thường như viêm dạ dày, dị ứng và thậm chí cả để dưỡng thai…
Các bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc, dị ứng, sốc phản vệ sau khi sử dụng thuốc Đông y. Thậm chí, nhiều trường hợp nếu không vào viện cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Loại rượu thuốc ngâm rễ cây do "bà dân tộc"mách khiến bệnh nhân nhập viện tổn thương não |
Đặc điểm chung của các trường hợp trên là đều do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, chủ yếu là người dân mách nhau sử dụng hoặc đi bốc thuốc từ các “ông lang vườn” , "bà dân tộc" hoặc một số người không được cấp phép hành nghề.
Mới đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân nam dùng rượu ngâm với rễ cây theo lời mách của một “bà dân tộc” dẫn đến tổn thương não và hiện vẫn trong tình trạng hôn mê.
Bệnh nhân dùng rượu thuốc ngâm rễ cây để chữa bệnh xương khớp nhưng sau 10 ngày sử dụng sản phẩm rượu ngâm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao.
Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng tình trạng càng tăng nặng, xuất hiện cơn co quắp chân tay khoảng 30 phút nên bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến cao hơn và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc nam không rõ ngồn gốc, thành phần. Thậm chí nhiều loại thuốc nam được trộn các chất như corticoid, paracetamol... Việc trộn paracetamol, corticoid vào thuốc nam với liều lượng không được công bố khiến bệnh nhân bị ngộ độc là việc làm phi pháp, cần được lên án".
Ngoài ra, nhiều loại thuốc đông y còn chứ chất chì vượt mức cho phép. Nếu sử dụng sau một thời gian dài, bệnh nhân dễ bị ngộ độc chì mạn tính dẫn đến tình trạng thiếu máu và cơn đau bụng “chì”.
Về điều trị, tùy mức độ bệnh, mức độ nặng sẽ có điều trị hồi sức, điều trị đặc hiệu (thuốc gắp chì) còn mức độ nhẹ sẽ được điều trị triệu chứng và theo dõi nồng độ chì trong máu, và đặc biệt phải xác định được nguyên nhân gây tình trạng nhiễm độc để khắc phục.
Để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc như bệnh nhân trên, bác sỹ Nguyên khuyến cáo người dân khi có bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, truyền tai/ mách bảo nhau, thuốc trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh “tiền mất, tật mang”.
Hiện, Sở Y tế đã đăng tải danh sách cơ sở y tế, phòng khám y học cổ truyền được cấp giấy phép hoạt động lên website, người dân có thể kiểm tra thông tin từ đó. Khi đi khám nên tìm những cơ sở khám chữa bệnh hợp pháp có chứng chỉ hành nghề.
Đặc biệt, không nên tìm mua các loại thuốc đông y bán tràn lan trên mạng xã hội, quảng cáo trên youtube vì mọi thông tin công khai trên đó đều có thể là giả mạo.