Rước bệnh vì ăn uống chung với các "thú cưng"
Lông chó, mèo dính vào thực phẩm nguy hại ra sao?
Chó, mèo luôn được coi là những người bạn trung thành gần gũi với loài người. Ngày nay, nhiều người nuôi thú cưng vì có tình cảm thân thiết, xem chúng như bạn bè thân thuộc và hết lòng chăm sóc từ việc đi spa để cắt lông, tỉa móng, đến thú y khám bệnh hay đi du lịch, vui chơi tại các điểm công cộng…
Trên trang Facebook, TikTok của nhiều bạn trẻ yêu thích thú cưng không khó để bắt gặp hình ảnh “check-in” của các thú cưng được chủ mang vào các quán cafe, nhà hàng, cùng thưởng thức cốc trà sữa, ly kem tươi cùng các vị chủ nhân.
Nhiều bạn trẻ vô tư dẫn chó, mèo vào nhà hàng ăn uống để cùng thưởng thức |
Tuy nhiên, không ít bức ảnh các con vật cưng ăn uống trong các nhà hàng, quán cà phê đã tạo nên cuộc tranh cãi về việc nên hay không cho thú cưng ăn uống chung đồ vật với chủ tại nơi công cộng. Bởi nếu không biết cách chăm sóc và phòng ngừa thì chính các thú cưng lại là đối tượng mang đến nhiều bệnh tật nguy hiểm cho chủ nhân.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay những vật nuôi như chó, mèo hiện nay được khá nhiều người nuôi trong gia đình. Nhiều gia đình có khuôn viên rộng rãi thì nuôi chúng cách ly với nơi sinh hoạt trong gia đình.
Tuy nhiên, một số gia đình chật hẹp thì cho những vật nuôi đó ngay nơi sinh hoạt như bếp ăn, phòng khách hay ngay cả phòng ngủ. Việc con người tiếp xúc với những vật nuôi quá nhiều có nguy cơ dẫn đến dễ lây nhiễm một số bệnh như sán lá phổi, giun đũa…
“Việc để chó, mèo đến gần nơi nấu ăn, nơi ăn uống là vô cùng nguy hại, lông chó hay mèo rất dễ bay vào các món ăn, món ăn chưa chế biến thì không đáng nói lắm, đáng nói nhất là món ăn đã chế biến, lông những vật nuôi đó có thể rơi trực tiếp vào thức ăn.
Thức ăn dính phải lông những thú cưng này người dùng dễ bị nhiễm trứng giun đũa, trứng giun này có thể xuyên qua thành ruột và vào máu thành ấu trùng, sau đó chúng di chuyển đến các cơ quan nội tạng như não, tim, phổi…gây ảnh hưởng khá lớn đối với sức khỏe”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo nuôi trong nhà. Một số trường hợp bệnh nhân đã đi nhiều bệnh viện, phòng khám da liễu, chữa đủ cách nhưng vẫn không biết mình bị bệnh gì, từ một vết ngứa trên tay giờ lan rộng khắp cơ thể hoặc tự mua thuốc bôi, chỉ đỡ được một thời gian sau đó lại phát bệnh trở lại.
Đáng nói, đa số các bệnh nhân đều đang nuôi chó mèo nhưng không ai nghĩ những thú cưng của mình lại gây bệnh giun đũa chó, mèo…
Nguy cơ nhiễm giun đũa từ chó mèo |
Thậm chí, không ít bệnh nhân tưởng mắc bệnh da liễu, viêm da cơ địa với biểu hiện thường xuyên bị ngứa dữ dội, lở loét khắp người và phải chữa da liễu hơn chục năm mới biết mình nhiễm giun đũa chó, mèo từ thú cưng trong nhà.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét ký sinh trùng Công trùng Trung ương) cho biết: “Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng ban đầu là ngứa, nổi dị ứng trên da, có trường hợp đã được đi khám ở bệnh viện khác, hoặc tự mua thuốc bôi, chỉ đỡ được một thời gian sau đó lại phát bệnh trở lại. Rất ít bệnh nhân phát hiện ra bệnh sớm vì người ta không nghĩ đó là do ký sinh trùng”.
Bệnh tiến triển nặng hơn vì không được chẩn đoán đúng. Đa số bệnh nhân tới viện trong tình trạng xuất hiện nhiều vết xước trên da. Có đến 2/3 số bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ bị nhiễm giun đũa chó, mèo mỗi ngày.
Ấu trùng giun đũa chó, mèo chỉ ký sinh ở chó, mèo, khi người bị lây nhiễm, ấu trùng sẽ thâm nhập qua niêm mạc ruột đi vào hệ bạch huyết gây bệnh ở người. Nhiều người nuôi thú cưng có thói quen tiếp xúc gần như chơi, ngủ cùng chúng.
Con đường lây nhiễm của giun đũa chó, mèo rất đa dạng. Nếu phân của chúng không được xử lý đúng sẽ làm cho giun đũa chó, mèo lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, lây nhiễm vào nước uống, đồ ăn, thậm chí có thể lây nhiễm qua đường hít thở. Đây là nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật.
Giun đũa chó, mèo chỉ là vật ký sinh ở chó, mèo. Khi vào cơ thể người, sẽ không có chu kỳ sinh sản, ngõ cụt vì vậy chúng ta không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của giun đũa chó mèo trong phân người mà chỉ có thể tìm thấy kháng thể của giun đũa chó mèo trong máu bệnh nhân kèm theo một số chỉ số bạch cầu ái toan tăng cộng với triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
Bệnh ngứa không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng gây ra khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhiều bệnh nhân cho biết, lúc nào cũng phải mang bên mình hộp thuốc dị ứng, thấy ngứa là phải uống ngay.
Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo: Không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Người nuôi nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.