Tạo cơ chế, chính sách giúp thanh niên phát triển kinh tế xã hội
Đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thanh niên
Từ xưa đến nay, thanh niên luôn được đánh giá là một trong những lực lượng xung kích đi đầu trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngành, đối tượng thanh niên được tiếp cận với nhiều nguồn lực, chính sách ưu đãi để nâng cao tay nghề, phát triển kinh tế, khởi nghiệp làm giàu... đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Một trong những chính sách hỗ trợ thanh niên thu hút đông đảo sự quan tâm hiện nay chính là vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên. Theo đó, tại Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2025, thành phố đặt ra nhiệm vụ là đổi mới giáo dục và đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Đây được xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững thời gian tới.
Để cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao này, những năm gần đây, công tác giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội được đẩy mạnh, xác định đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động là một trong những giải pháp quan trọng nên Hà Nội tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.
Đào tạo nghề cho thanh niên sẽ giúp ích rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có bước phát triển mạnh với đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hà Nội trở thành một trong những thành phố có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước với 380 đơn vị (67 trường cao đẳng; 83 trường trung cấp; 75 loại hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 141 doanh nghiệp và loại hình khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
Trong đó có 4 trường cao đẳng đang triển khai xây dựng trường chất lượng cao, hướng tới trường đạt chuẩn khu vực, quốc tế theo quy định của Chính phủ; 16 trường trung cấp, cao đẳng được lựa chọn 29 nghề trọng điểm (gồm 14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia).
Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng được tăng lên, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện tuyển sinh đào tạo đạt trên 1 triệu lượt người. Bình quân mỗi năm có khoảng trên 200.000 lượt người được qua đào tạo nghề.
Đặc biệt, số lao động qua đào tạo nghề tăng dần và chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực với cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tiêu biểu như mô hình may công nghiệp đã tổ chức dạy nghề cho hơn 10 nghìn người tại 5 huyện, thị gồm: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Mô hình được các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp để dạy nghề cho lao động khu vực ngoại thành. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 85% với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng.
Hay như mô hình dạy nghề trồng nấm, nấm dược liệu đã đào tạo cho 2.179 người chủ yếu tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Bà Vì… Mô hình thực hiện có hiệu quả, thanh niên học nghề có kiến thức đã tự sản xuất được nấm, thu nhập ổn định.
Để thanh niên được tiếp cận gần với các chính sách hỗ trợ
Nhằm hỗ trợ cho thanh niên được tiếp cận gần hơn với những chính sách mới, dự kiến ngày 30/3 tới đây, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn chính sách Quốc gia đối với thanh niên năm 2022 với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”. Diễn đàn được đánh giá sẽ đem lại hiệu quả cao, có cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động, nguồn nhân lực thanh niên, từ đó có những phương hướng, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ thanh niên trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.
Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp |
Nhấn mạnh về vai trò của đào tạo nghề trong thanh niên Thủ đô, ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Chương trình đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành trên địa bàn thành phố đã khẳng định chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các sở, ngành, đoàn thể, nhất là các địa phương của Hà Nội.
Điều này thể hiện ở chỗ, công tác đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành đã có sự phối hợp thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giúp người lao động nông thôn hiểu rõ tích cực tham gia học nghề nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Có thể thấy rõ, việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp ở Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Bởi thanh niên là lực lượng lao động trẻ, khoẻ, có nhiều tiềm năng, thế mạnh... Do đó, thực hiện tốt các chính sách về đào tạo nghề cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ giúp ích rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và sẽ là mục tiêu, động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa Thủ đô và cả nước.