TP HCM: 26 tổ chức, cá nhân bị phạt gần 400 triệu đồng vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Một phần danh sách xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân trong tháng 4/2021 |
Theo đó, 7 tổ chức, cá nhân bị phạt với số tiền trên 20 triệu đồng, 5 tổ chức, cá nhân bị phạt với số tiền từ 10 đến 20 triệu, còn lại 14 tổ chức, cá nhân bị xử phạt với mức dưới 10 triệu.
Các trường hợp vi phạm nêu trên phần đa do không có có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc và sản phẩm từ gia súc không đảm bảo và lỗi hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa…
Một số trường hợp điển hình như: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Đại Bàng Trắng, Công ty TNHH Người Trung Trực và Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Anada đều bị xử phạt số tiền 35 triệu đồng.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thảo Bình Minh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Hàng hải Mekong bị xử phạt 25 triệu đồng. Tất cả các công ty nêu trên đều vi phạm lỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các trường hợp vi phạm đều bị xử phạt hành chính và có các biện pháp khắc phục như thu hồi, tiêu hủy hay chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Xe tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Hóc Môn (Ảnh: Ban Quản lý ATTP TP HCM) |
Trường hợp bị xử phạt nặng nhất lên đến 90 triệu đồng là công ty TNHH thịt bò Tín Phương có địa chỉ tại số 36 Đường số 15, phường Tân Kiểng, Quận 7 do sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra cơ sở đang sản xuất bò viên (70kg) nhưng lại không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, Công ty TNHH thịt bò Tín Phương còn bị buộc thu hồi thực phẩm theo Quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đồng thời, đơn vị này cũng buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm theo Quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 20 của Nghị định này.
Được biết, ngoài xử phạt các tổ chức, cá nhân trên, Ban Quản lý ATTP TP HCM cũng vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP HCM. Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Ban Quản lý ATTP TP HCM đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm được lấy mẫu xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính; Thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng và người kinh doanh về các sản phẩm không đảm bảo ATTP được phát hiện qua các đợt kiểm tra.