Bài 2: Mối nguy với sĩ tử từ “tẩm bổ quá đà”
Bài 1: “Ma trận” thực phẩm chức năng tăng cường trí nhớ cho sĩ tử |
Mùa hè nắng nóng cũng là thời gian cao điểm các sĩ tử chạy nước rút trước những kì thi quan trọng nhất của cuộc đời học sinh - thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mắc các vấn đề về tiêu hóa luôn hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng kì thi cũng như sức khỏe của sĩ tử…
Sĩ tử cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh tẩm bổ quá đà để đảm bảo sức khỏe mùa thi (Ảnh minh họa) |
Ăn óc có bổ óc?
Áp dụng kinh nghiệm dân gian “ăn óc bổ óc”, chị Hoài Thu (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường xuyên đưa vào thực đơn của con món óc tần trong những ngày cao điểm chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.
Chị Thu cho biết, trước áp lực lớn của kỳ thi, cùng với việc đôn đáo đốc thúc con ôn thi, tẩm bổ cho con cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém. Chế độ dinh dưỡng của cả gia đình chị những ngày gần đây cải thiện đáng kể khi thịt, cá, trứng sữa, thủy hải sản thường xuyên xuất hiện. Món mặn trong 2 bữa cơm trước đây thường chỉ có 2 giờ cũng được chị Thu tăng lên đến 4. Thời tiết nóng bức, chị liên tục thay đổi các món canh, nào là canh ngao nấu canh chua, canh cua nấu mồng tơi, canh rau ngót nấu thịt…
Không chỉ bữa chính, bữa phụ cũng được tăng cường. Chốc chốc, chị lại bê đĩa hoa quả, cầm hộp sữa vào tận bàn phục vụ sĩ tử.
Chẳng riêng mình chị Thu, chăm lo đến từng bữa ăn, tẩm bổ để con có sức học cũng là tâm lý của nhiều ông bố, bà mẹ những ngày này. Đáng nói, nhiều phụ huynh còn áp dụng kinh nghiệm dân gian một cách rập khuôn, máy móc như “ăn óc bổ óc” hoặc tẩm bổ quá đà. Nhiều cha mẹ sử dụng óc heo như một thực phẩm giúp bồi bổ trí não con em mình trong giai đoạn mùa thi. Bằng những cách chế biến khác nhau, nhiều gia đình cho con em ăn liên tục trong thời gian dài. Điều này hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, trong óc heo chứa phần lớn là chất béo, đặc biệt là hàm lượng lớn cholesterol, không tốt cho cơ thể. Sử dụng óc lợn thường xuyên, cơ thể không thể tiêu hóa, chuyển hóa hết các thành phần dinh dưỡng có trong óc lợn, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng của cơ thể. Từ đó, cơ thể sẽ có biểu hiện tiêu cực như khó ăn, nôn ói… để phản ứng lại việc tiêu thụ loại thực phẩm này. Việc lạm dụng óc heo như một món ăn bổ não là cách chăm sóc tiêu cực với sức khỏe của các em.
Lời khuyên của chuyên gia
Khác với tâm lý lo lắng thái quá của nhiều bậc cha mẹ, chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng, trong thời tiết oi bức của mùa hè, các bậc phụ huynh nên chọn thực phẩm đúng mùa để hạn chế nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Món chế biến xong phải ăn luôn. Nếu chưa hết, phụ huynh bảo quản trong tủ lạnh, phân chia sống chín rõ ràng. Bên cạnh đó, phụ huynh đặc biệt lưu ý không cho con ăn món ăn lạ.
Ngoài các món ăn từ thủy hải sản hay gia cầm, gia súc như vịt, gà, thịt lợn, bò, phụ huynh còn nên để ý tới chất đạm từ sữa và trứng. Thực đơn hàng ngày không thể thiếu rau xanh, củ quả.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhận định, thời điểm cận kề ngày thi, phụ huynh đa số thường hay để ý hơn đến dinh dưỡng cho con nhưng đồng thời cũng bị lo lắng và trầm trọng hóa vấn đề. Kỳ thi quan trọng nhưng bố mẹ không nên tạo áp lực cho con về cả học hành và ăn uống.
Sai lầm của phụ huynh là ép con ăn trong thời gian ngắn và mua các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng để tăng cường trí nhớ, minh mẫn. Việc bổ sung dinh dưỡng cần có ý kiến của bác sĩ. Dinh dưỡng cũng như giáo dục, phải có thời gian, quá trình chứ không chỉ tập trung thời điểm thi cử.
Cũng theo các chuyên gia, cách giúp trẻ bớt căng thẳng và học hiệu quả hơn là khuyến khích các em duy trì hoạt động thể lực, đơn giản nhất là giúp đỡ bố mẹ, ông bà làm việc nhà.
Cùng với mối nguy từ tẩm bổ quá đà, thực phẩm đường phố cũng là nỗi lo thường trực với sĩ tử mùa thi. Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi tới trường thi, đảm bảo công tác y tế phục vụ các kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ cuối tháng 5/2023, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch 2391/KH-SYT.
Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chức năng của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm cấp cứu 115, các TTYT quận, huyện, thị xã; Bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế để đảm bảo đáp ứng toàn diện về công tác y tế.
Trong đó, kế hoạch nhấn mạnh một trong 3 nội dung chính là tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh chất lượng nước trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực có tổ chức thi; Chủ động sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu khẩn cấp trong các tình huống thảm họa, khủng bố, ngộ độc hàng loạt… phục vụ cho các thí sinh, người nhà và các lực lượng khác tham gia kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trên địa bàn thành phố.
(Còn nữa)