Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu
Chế độ ăn uống không hợp lý có thể gây tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng, bệnh có diễn biến âm thầm nhưng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Tăng huyết áp được chẩn đoán khi đo huyết áp tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
Tăng huyết áp được chẩn đoán khi đo huyết áp tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg |
Tại Việt Nam, huyết áp cao chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.
Việc kiểm soát huyết áp cao là rất quan trọng vì nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác, thậm chí tử vong. Biến chứng của bệnh tăng huyết áp cao gây tổn thương ở các cơ quan như tim, não, thận, mắt...
Rối loạn mỡ máu là tình trạng rối loạn lipid máu, được đặc trưng bởi nồng độ lipid lưu thông bất thường, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và các biến chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đột quỵ.
Mỡ máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol. Mỡ máu tăng cao khi cholesterol xấu tăng và cholesterol tốt giảm. Một thành phần quan trọng khác của mỡ máu đó là triglycerid. Tăng chỉ số này thường kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu LDL và giảm cholesterol tốt HDL.
Nguyên nhân chính gây rối loạn mỡ máu thường do chế độ ăn uống không hợp lý cùng với lối sống không lành mạnh, ít vận động, hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn nhiều chất béo, nội tạng động vật…
Ngoài ra, các yếu tố khác như: Béo phì, đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa, hội chứng thận hư, bệnh thận mạn tính, suy giáp, tiền sử gia đình… cũng làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Lượng mỡ trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu gây xơ vữa mạch máu và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Nếu động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi tim gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử.
Nếu người bệnh thay đổi lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống từ 3-6 tháng mà không cải thiện mỡ máu thì có thể bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ lâu dài và nếu ngừng thuốc thì tình trạng mỡ máu có thể tăng trở lại. Ngoài ra, việc dùng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhất là cảm giác mệt mỏi. Do đó người bệnh cần kiên trì thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống phù hợp.
Nguyên tắc dinh dưỡng kiểm soát bệnh
ThS.BS Ngô Quỳnh Trang, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Hai bệnh này đều liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh, lười hoạt động thể lực hoặc lạm dụng đồ uống có cồn. Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, những bệnh nhân này cần tuân theo một chế độ ăn lành mạnh, cần giảm cân ở những người thừa cân béo phì, ăn giảm muối, tăng kali trong khẩu phần, hạn chế rượu và tăng cường hoạt động thể lực".
Trong đó, nguyên tắc dinh dưỡng là bệnh nhân mắc một trong hai bệnh này cần duy trì cân nặng khỏe mạnh (chỉ số BMI trong khoảng 18,5- 22,9 kg/m2); Lượng năng lượng mỗi ngày nạp vào từ 30-35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng; Ăn giảm muối (cụ thể dưới 5g muối/ngày); Tăng chất xơ lên 20g/ngày; Tăng cường thực phẩm giàu kali, canxi, magie...
ThS.BS Ngô Quỳnh Trang đưa ra khuyến cáo về các loại thực phẩm nên dùng như các loại gạo, mỳ, ngô, khoai củ, sắn, bún, phở; Ưu tiên ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối; Ăn đa dạng các loại thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ… (đặc biệt là cá: ăn cá ít nhất 3 - 4 lần/tuần).
Bệnh nhân có thể sử dụng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu vừng…; Ăn đa dạng rau, quả trái cây, trung bình khoảng 300-400g rau hoặc trái cây/ngày; Các loại hạt: Đậu đỗ, hạt lạc, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, óc chó, hạnh nhân…; Thực phẩm giàu Kali: Rau giền, rau khoai lang, rau ngót, rau bí, khoai tây, khoai sọ, hạt điều, chuối, bơ, ổi, kiwi...
Trong khi đó, thực phẩm mà bệnh nhân hạn chế dùng là các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh chứa nhiều muối như thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng; Thực phẩm chứa nhiều Cholesterol như phủ tạng động vật (tim, lòng, óc…), tủy xương, lòng đỏ trứng; Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như dầu dừa, dầu cọ, mỡ động vật, bơ động vật, sữa toàn phần; Thực phẩm chứa nhiều đường như đường kính, nước ngọt, bánh kẹo, kem, chè…
Bệnh nhân cũng nên hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…; Giới hạn tối đa dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam và 1 đơn vị cồn/ngày với nữ (cụ thể 1 đơn vị cồn tương đương 1 cốc bia hơi 330ml, 1 ly rượu vang 100 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml).
Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) dành cho người bị tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu |
Bệnh nhân có thể áp dụng chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension). Đây là chế độ ăn uống để ngăn chặn tăng huyết áp (DASH) có thể làm giảm huyết áp tâm thu khoảng 6 đến 11 mmHg ở cả người tăng huyết áp cũng như người bình thường.
Chế độ ăn DASH nhấn mạnh vào ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, sữa ít béo, các loại hạt, cá, thịt nạc và chất béo không bão hòa. Chế độ này chứa nhiều canxi, chất xơ, kali và magiê, đồng thời ít chất béo toàn phần, chất béo bão hòa, cholesterol và natri.