Đảm bảo dinh dưỡng, sức khoẻ cho trẻ dịp sau Tết
Đảm bảo bữa ăn ngày tết của trẻ đủ dinh dưỡng
Những đồ ăn thức uống giàu năng lượng như bánh kẹo, nước ngọt, bánh chưng, đồ ăn chiên rán, đồ chế biến sẵn tuy là món trẻ em rất ưa thích nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Do đó, sau dịp Tết, nhiều trẻ rơi vào tình trạng thừa cân béo phì do ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ uống có ga hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng do ăn uống thiếu khoa học gây rối loạn tiêu hóa hay ăn ít rau quả gây táo bón.
Ảnh minh hoạ |
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, những món ăn ngày Tết đa phần đều giàu năng lượng, nhưng thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều những thực phẩm này có thể khiến trẻ tăng cân, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu chất, hay còn gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn.
“Ngày Tết cần hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh, kẹo, nước ngọt, mứt, lạp xưởng, thức ăn cũ... Đây là những thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng, thiếu vitamin và khoáng chất, ít chất xơ, chứa nhiều muối, đường và có thể không bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, không nên cho trẻ nhỏ ăn các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương... vì dễ gây sặc và hóc” - PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo.
Do đó, để đảm bảo bữa ăn ngày Tết của trẻ đủ dinh dưỡng, các bậc cha mẹ nên cố gắng giữ cho giờ giấc sinh hoạt của trẻ đều đặn, đừng quá chênh lệch so với bình thường, không để trẻ mất bữa.
Các gia đình nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Nếu đến bữa ăn của trẻ mà không chuẩn bị kịp đồ ăn thì cho trẻ ăn các món ăn nhẹ thay bữa như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây, các loại hạt, trái cây sấy, ngũ cốc… hoặc có thể cho trẻ ăn trước khi đi chơi, đi chúc Tết.
Cha mẹ cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, đó là: nhóm bột đường (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mì…), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…).
Đặc biệt nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
Ngoài ra, phụ huynh tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… Việc sử dụng các thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, có nguy cơ tăng cân ở trẻ thừa cân béo phì; Với một số trẻ khác lại mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, có thể là nguyên nhân gây nên trẻ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
Cha mẹ chú ý cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước hoa quả ép, hạn chế nước ngọt và đồ uống có ga, đồ uống có tính kích thích như trà, cà phê và không dùng đồ uống có cồn.
Phòng tránh nguy cơ trẻ ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn hay còn gọi là trúng thực là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em vào dịp tết. Nguyên nhân là do trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn có chứa trong thức ăn.
Thức ăn ngày tết có đặc điểm là thức ăn chế biến sẵn được dự trữ, dùng trong nhiều ngày như lạp xưởng, thịt kho trứng, cá kho, giò chả, bánh tét, bánh chưng. Thức ăn uống chứa nhiều đường như mứt, bánh kẹo, nước ngọt, sirô.
Những thức ăn trên là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng. Những thức ăn dù nấu chín nhưng để lâu trong nhiệt độ phòng sẽ là môi trường cho vi khuẩn mọc nhanh và sinh độc tố khá mạnh.
Tết còn là dịp mọi người được vui chơi thoải mái nên trẻ có thể ăn chơi, ăn dài dài, vừa ăn vừa chơi bất kỳ lúc nào trẻ muốn. Trẻ cũng thường bốc ăn ngay thức ăn để sẵn, chưa kịp hâm lại, để lâu ngoài tủ lạnh.
Ngày Tết, đi chơi nhiều nên trẻ cũng thường được cho ăn uống những thức ăn ngoài hàng quán, bên đường là những nguy cơ khiến trẻ dễ bị ngộ độc thức ăn ngày tết.
Trẻ bị ngộ độc thức ăn ngày tết thường biểu hiện triệu chứng rối loạn tiêu hoá sau khi ăn từ 1 giờ trở đi. Trẻ bị nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục, đau bụng quặn từng cơn sau đó có thể đi tiêu chảy.
Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải đặc biệt ở trẻ em nhỏ.
Ảnh minh hoạ |
BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Những tai nạn thương tích trẻ thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán gồm: Ngộ độc thực phẩm; bỏng; té ngã và các tai nạn sinh hoạt trong gia đình; ngộ độc hóa chất, thuốc, độc chất; hóc dị vật; điện giật; đuối nước…".