Không để thực phẩm “nhiều không” lọt vào bữa ăn ngày Tết
Hương vị Tết nơi những làng nghề trăm tuổi Ngắm mai vàng thương Tết phương Nam Tết ấm áp trong vòng tay đồng đội Tết xa nhà của người trẻ Việt |
Trong không khí cả nước hướng về các hoạt động chào đón Tết Quý Mão, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2023.
PV: Ông đánh giá thế nào công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm vừa qua?
Ông Đặng Thanh Phong: Trong năm 2022, thực hiện Kế hoạch 304/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về công tác an toàn thực phẩm và quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kịp thời chấn chỉnh từ những vi phạm nhỏ nhất, qua đó, từng bước đưa công tác này vào “quỹ đạo”.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội |
Cùng với đó, ngành Y tế thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai 2 hoạt động chương trình an toàn thực phẩm, bao gồm: Hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Cụ thể là, tiếp tục triển khai và duy trì các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì và xây mới 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 17 quận, huyện; Kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch.
Đồng thời, tiếp tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát, nhằm nâng cao ý thức tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện; triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cấp tiểu học tại 10 quận, huyện.
PV: Sau gần một năm triển khai kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trưởng tiểu học, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của công tác này?
Ông Đặng Thanh Phong: Trong năm 2022, thành phố đặc biệt quan tâm về các cái bếp ăn tập thể, trường học. Thành phố cũng xây dựng kế hoạch Triển khai mô hình nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học, bước đầu thực hiện tại 215 trường tiểu học của 5 quận, 5 huyện.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra các bếp ăn tập thể tại trường học |
Chúng tôi đã tổ chức các đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 215 trường. Qua đánh giá việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào nhà trường, nhà trường cũng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, đơn vị cung cấp suất ăn, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Khi truy xuất xuống tận địa phương thì những thực phẩm đó cũng được nuôi trồng tại các địa chỉ cụ thể. Nhà cung cấp cũng đã ký hợp đồng với hộ kinh doanh và các hợp tác xã rau sạch… Cho đến thời điểm này, toàn thành phố không để xảy ra các vụ ngộ độc hay sự cố mất an toàn thực phẩm liên quan đến bếp ăn tập thể.
PV: Cùng với việc triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trường học, trong năm 2023 công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố sẽ tập trung vào những vấn để gì, thưa ông?
Ông Đặng Thanh Phong: Ngoài mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể 215 trường tiểu học tại 5 quận, 5 huyện thì trong năm 2023, chúng tôi cũng xây dựng thêm một mô hình nữa là đảm bảo an toàn và việc trong bếp ăn tập thể khu công nghiệp.
Đây là một trong những nội dung mà chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm bởi bếp ăn tập thể khu công nghiệp phục vụ số lượng công nhân trên địa bàn thành phố rất lớn. Cụ thể, có những bếp ăn cung cấp suất ăn cho khoảng 8.000 - 9.000 công nhân, những bếp ăn nhỏ hơn cũng cung cấp cho khoảng từ 500 - 1000 công nhân...
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc thực phẩm |
Nguy cơ xảy ra mất an toàn thực phẩm cũng rất cao. Trong năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành truy xuất nguồn gốc tại các bếp ăn tập thể cho công nhân và đánh giá lại xem là nguồn thực phẩm đưa vào đây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không? Nếu như qua quá trình kiểm tra mà phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc thực phẩm, không đảm bảo an toàn trong việc cung cấp thực phẩm thì cũng sẽ yêu cầu công ty làm rõ trách nhiệm, đình chỉ những nhà cung cấp và xử lý theo quy định.
PV: Nhân dịp Tết Nguyên đán, ông có lời khuyên gì đối với người tiêu dùng?
Ông Đặng Thanh Phong: Dịp Tết Nguyên đán luôn là thời điểm mà người dân tiêu thụ rất nhiều thực phẩm, các mặt hàng tiêu thụ mạnh như sản phẩm đông lạnh đóng gói chế biến sẵn… Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân phải biết lựa chọn thực phẩm. Đặc biệt, không dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm.
Khi chọn mua thực phẩm cần xem kỹ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Còn đối với các sản phẩm như thịt tươi sống bán tại các chợ dân sinh hay các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thì chúng ta có thể kiểm tra bằng cảm quan. Ví dụ miếng thịt phải đảm bảo độ tươi cũng như sự đàn hồi…
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên quan tâm lựa chọn những cửa hàng uy tín, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm được cấp phép đăng ký kinh doanh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!