Nguy cơ hóc dị vật khi ăn uống
Cảnh báo các tai nạn trẻ hóc dị vật Nguy cơ thủng thực quản vì nuốt viên thuốc còn nguyên vỏ nhựa Thủng đường tiêu hóa do dị vật xương cá Cụ ông 75 tuổi bị hóc hạt hồng xiêm trong phế quản |
Muôn kiểu... hóc dị vật
Tình trạng hóc xương hay hóc dị vật không phải là một bệnh lý, tuy nhiên nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, sẽ rất nguy hiểm; có thể gây áp xe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Các trường hợp bị hóc dị vật mà các bệnh viện đã từng tiếp nhận và điều trị phổ biến như: Hóc xương do ăn cá ngạnh; hóc xương gà; ăn trứng vịt lộn uống nước trong trứng vịt vô tình nuốt trọn quả trứng nên bị tắc nghẽn đường thở; hóc xương vụn thịt lợn trong nồi nước dùng khi ăn các loại bún, hủ tiếu, bánh canh…
Hình ảnh phim chụp bệnh nhân bị hóc xương khi ăn cá ngạnh (Ảnh: BVCC) |
Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa thực hiện nội soi gắp xương cá cho bệnh nhân nam (47 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội).
Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh. Khi ăn tối với món cá (cá ngạnh), bệnh nhân xuất hiện hốt hoảng, cảm giác khó nuốt, nuốt vướng, nghi bị hóc xương.
Bệnh nhân đã đi khám tại phòng khám tai mũi họng gần nhà nhưng không giải quyết được tình trạng. Sau đó, bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh). Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán có dị vật trong hầu họng.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được Ths. BS Nguyễn Tất Thành và ê kíp trực của khoa Thăm dò chức năng thực hiện thủ thuật nội soi lấy dị vật.
Ê kíp đã thực hiện đưa đèn nội soi vào vùng hạ họng - thanh quản, sát gốc lưỡi. Hình ảnh cho thấy có mảnh xương cá găm sâu vào gốc lưỡi, niêm mạc xung quanh phù nề.
Sau 15 phút các bác sĩ đã đã tiến hành gắp mảnh xương cá qua nội soi bằng dụng cụ chuyên dụng.
Dị vật được lấy ra được 1 mảnh xương dài xấp xỉ 2,5cm có đầu nhọn. Bác sĩ Nguyễn Tất Thành cho biết sau thủ thuật nội soi, mảnh dị vật là xương hóc được lấy ra an toàn, sau lấy dị vật không chảy máu. Bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, các bác sĩ vừa lấy thành công một dị vật là mảnh xương kích thước 1,5 x 2,5cm nằm trong phế quản người đàn ông suốt 3 năm.
Trước đó, bệnh nhân N.V.Đ (67 tuổi) nhập viện với triệu chứng ho nhiều và mệt mỏi. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết khoảng 3 năm trước, trong quá trình ăn uống, ông bị hóc xương nhưng không rõ ràng.
Kể từ đó, bệnh nhân Đ đã trải qua nhiều đợt ho kéo dài và đã đi khám cũng như điều trị tại một số cơ sở y tế, nhưng không có cải thiện.
Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân Đ xuất hiện ho nhiều đờm và đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Tại khoa Dị ứng - Hô hấp, sau khi thăm khám lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp dị vật lớn ở phế quản phải, kèm theo viêm phổi. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh chống viêm tích cực và nội soi phế quản ống mềm để lấy dị vật.
Không chủ quan khi hóc dị vật
Bác sĩ Nguyễn Tất Thành, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Hóc dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở thực quản, dạ dày. Nếu không được xử lý kịp thời nó sẽ để lại một số biến chứng như: Tạo ổ áp xe, chảy máu… Ngày nay, y học đã phát triển, các kỹ thuật nội soi đã được triển khai.
Khi nghi có dị vật đường tiêu hóa, người bệnh nên dến cơ sở y tế để gắp dị vật qua nội soi. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả. Người bệnh sẽ được khám lâm sàng, chụp X-quang để xác định.
Sau đó, ê kíp sẽ tiến hành gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hóa đảm bảo an toàn, không đau. Người dân tuyệt đối không nên chữa hóc dị vật bằng các mẹo dân gian bởi nếu dị vật để lâu có thể gây thủng ruột, nhiễm trùng, áp xe và nguy hiểm đến tính mạng".
Dị vật là mảnh xương được lấy ra khỏi phế quản bệnh nhân |
Dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào loại dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn.
Trên thực tế, nhiều người có tâm lý chủ quan khi không may nuốt phải vật lạ trong lúc ăn uống mà không lường được nguy hiểm khi dị vật bít kín đường thở nếu không xử trí kịp thời sẽ gây viêm phế quản, viêm phổi, xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu oxy hoặc thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
Do đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo khi nghi ngờ hóc sặc dị vật thì bệnh nhân nên đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng càng trở nên nguy hiểm hơn.