Nguy cơ ngộ độc từ những bữa cỗ
Sử dụng côn trùng làm thức ăn, bệnh nhân bị ngộ độc nguy kịch Cảnh báo ngộ độc các loại rượu thuốc, rượu ngâm Phòng ngộ độc thực phẩm từ những bữa ăn ngoài trời khi đi du lịch hè |
Vi phạm an toàn thực phẩm
Theo đó, khoảng 11 giờ ngày 15/5, có 48 người sau khi dùng tiệc cưới của gia đình bà N.T.K.P. ( huyện Triệu Phong, Quảng Trị do cơ sở nấu ăn lưu động của bà Trần Thị C chế biến bị ngộ độc thực phẩm. Hầu hết mọi người đều có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, một số người còn bị đau đầu, sốt nhẹ…
Kiểm nghiệm mẫu thức ăn, cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu bê thui, bò nấu, cua để làm tiết canh cua, rau sống, đá viên có số lượng lớn nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố trong mẫu bê thui, bò nấu, rau sống; nội độc tố Staphylococcal enterotoxin trong mẫu cua để làm tiết canh cua, mẫu rau sống.
Dịch vụ cỗ lưu động tiện nhưng cũng nhiều nỗi lo |
Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn xác định cơ sở nấu ăn lưu động của bà C không có các giấy tờ cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến, hợp đồng mua bán thực phẩm… Đặc biệt, vị trí chế biến thực phẩm tại nhà bà C có ruồi và chỉ cách chuồng nuôi gà, gia súc khoảng 1m…
Trước đó hồi đầu tháng 5, sau khi ăn tiệc cưới, hàng chục người ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cũng phải nhập viện điều trị trong tình trạng nôn, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài lỏng. Ngoài ra có 2 trường hợp kèm theo tức ngực và khó thở, nghi là ngộ độc thực phẩm.
Sau đó, chủ cơ sở nấu đồ ăn này đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng và đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 4 tháng do có những vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Không xem nhẹ
Nấu cỗ lưu động được xem là dịch vụ đang rất ăn khách trong thời buổi này. Từ tiệc tân gia, chúc thọ, đến cưới hỏi, thôi nôi, đám giỗ... bây giờ phần đông người dân đều chọn giải pháp thuê nấu ăn bởi sự thuận tiện, nhanh gọn của loại hình dịch vụ này. Dịch vụ này nở rộ từ thành thị đến nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức tiệc tùng tăng cao của người dân.
Không thể phủ nhận rằng, tính ưu việt của dịch vụ nấu ăn lưu động là tiện lợi, gọn gàng, tiết kiệm hơn so với việc đặt cỗ, tiệc tại các nhà hàng, khách sạn, đồng thời giảm tải những mệt mỏi cho các thành viên trong gia đình vào ngày đại sự.
“Từ lâu các dịp giỗ chạp nhà mình đều thuê người nấu. Dịch vụ nấu ăn lưu động sẽ phục vụ từ A đến Z, không ai phải tất bật chuẩn bị bát đĩa, xoong nồi, đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp mà chi phí thì cũng rất phải chăng nên mình cứ thuê cho tiện”, chị Chu Vân Trang (Ba vì, Hà Nội) chia sẻ.
Thông thường, để chuẩn bị kịp cho bữa cỗ, thực phẩm thường được chế biến trước đó từ 10 -20 tiếng, do không bảo quản cẩn thận nên dễ ôi, thiu. Mặt khác, vị trí chế biến thực phẩm cũng chưa phù hợp; nhiều gia đình ở nông thôn thường quây bạt, bầy cỗ ở gần chuồng nuôi gia súc, gia cầm, hồ, ao, hay bãi đất trống trong vườn; thiếu dụng cụ che đậy, nguồn nước.
Người tiêu dùng cẩn cẩn trọng lựa chọn những cơ sở nấu cỗ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm |
Trong khi đó ở các đô thị, không ít khu vực chế biến dựng gần vỉa hè, lòng đường, nơi có mặt độ phương tiện giao thông đông đúc, bụi bặm, thậm chí gần hố ga... Những yếu tố đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hơn nữa, nguồn thực phẩm đầu vào ở nhiều đám cưới chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là thịt gia súc, gia cầm, các loại rau, củ, quả, chất phụ gia... Trong khi đó, những người nấu cỗ (kể cả nấu thuê) chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giữa gia chủ và người nấu cỗ chỉ thỏa thuận miệng về số mâm, số món mà không có hợp đồng cam kết trách nhiệm khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm.
Vì vậy, nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là trong dịp hè, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với dịch vụ nấu cỗ lưu động không đáp ứng theo các điều kiện quy định. Đồng thời, tuyên truyền tới các cơ sở cũng như người tiêu dùng về cách lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.
Về phía người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò, nâng cao ý thức, trách nhiệm không chỉ lựa chọn các cơ sở dịch vụ uy tín, được cấp phép và quản lý hoạt động mà còn tích cực giám sát, phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.