Phòng ngộ độc thực phẩm từ những bữa ăn ngoài trời khi đi du lịch hè
Khó kiểm soát thực phẩm "bẩn" ở các điểm du lịch
Khi đến danh lam thắng cảnh, các khu du lịch biển tại Việt Nam, du khách dễ dàng bắt gặp những món ăn đặc sản địa phương tại bất kỳ những cửa hàng di động trong các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” mà không cần phải mất nhiều thời gian tìm kiếm hay phải bước vào những nhà hàng sang trọng.
Tuy nhiên, chính do việc chế biến và bày bán tại các nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn vỉa hè, các gánh hàng rong mà vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trở nên đáng lo ngại.
Các món hải sản ăn sống tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm |
Thêm vào đó, ở các khu du lịch, để phục vụ lượng khách tăng mạnh trong dịp hè, nhiều nhà hàng, quán ăn không đảm bảo tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc phải bảo quản quá nhiều đồ ăn trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế cũng khiến thực phẩm bị giảm chất lượng.
Đây cũng là thực tế tại nhiều khu du lịch trên cả nước, bởi rất khó có thể quản lý sát sao những quán ăn nhỏ, gánh hàng rong trên đường phố. Người bán hàng chế biến thức ăn còn thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Chưa kể, sự “quá tải” về lượng du khách trong mùa cao điểm dễ dẫn đến tình trạng nấu nướng sơ sài, công tác vệ sinh không đảm bảo, nguồn nguyên liệu sạch không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người dùng tay không để bốc thức ăn...
Trong điều kiện mùa hè, nhiệt độ ngoài trời cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh. Cùng với đó, sự phát triển của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... khiến thực phẩm dễ ôi thiu; sự cẩu thả cộng với nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn uống ngoài trời.
GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K) cho biết, thói quen ăn lẫn nhiều loại thực phẩm cùng lúc cũng gây hậu quả xấu cho đường tiêu hóa.
“Một số món hải sản dù là thức ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng cũng chính là nguồn gốc gây bệnh. Chúng ta nên ăn thực phẩm đã được nấu chín. Nếu hải sản đã ươn thì nên bỏ, bởi dù có được nấu chín thì một số loại vi rút vẫn tồn tại. Khi đi du lịch, thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước, men tiêu hóa... là những thứ luôn phải có trong va ly. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nên uống dung dịch điện giải để bù nước, sau đó tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị” - GS.TS Lê Thị Hương cho hay.
Cảnh giác khi trẻ nhỏ bị ngộ độc thực phẩm
Trẻ nhỏ là những đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ khi bị ngộ độc thực phẩm. Để tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ khi bị ngộ độc thực phẩm, TS Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ cách nhận biết, xử trí và chăm sóc đúng cách khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm, có những triệu chứng về tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy); hô hấp (ho, thở nhanh, khó thở, tím tái); thần kinh (co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê. Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thực phẩm còn có dấu hiệu tăng tiết đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn uống ngoài trời dịp hè |
TS Lê Ngọc Duy khuyến cáo, cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít,…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ.
Đồng thời cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol; Tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.
Bên cạnh đó, TS Lê Ngọc Duy cũng lưu ý về cách chăm sóc trẻ phục hồi sau ngộ độc thực phẩm. Về chế độ ăn của trẻ, gia đình nên cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo, canh để đảm bảo dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn. Khi nhận thấy trẻ bình thường trở lại, cha mẹ có thể cho trẻ ăn cơm, bánh và một số đồ ăn khác.
Phụ huynh nên tránh cho con ăn các thực phẩm gây khó tiêu và dễ kích thích gây buồn nôn như: Đồ chiên rán, thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Không nên ăn các thực phẩm từ sữa động vật như: Bơ, phô mai, sữa… trong vài ngày do lúc này cơ thể trẻ khó dung nạp được lactose gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu.
TS Lê Ngọc Duy khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân, đặc biệt là trẻ em nên rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống; Bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến; Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch.
Các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển dễ dàng hơn trên một số loại thực phẩm so với những loại khác.
Một số thực phẩm có nguy cơ cao bao gồm: thịt sống và thịt nấu chưa chín hẳn, hải sản, các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như các món tráng miệng làm từ sữa, các loại salad trộn, thực phẩm ăn liền - chẳng hạn như bánh mì, bánh sandwich, bánh cuộn và bánh pizza có chứa bất kỳ loại thực phẩm nào ở trên.