Nhập viện cấp cứu sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng sau khi ăn bánh tẻ
Cảnh giác với bánh trái bán ở vỉa hè
Bánh khoai, bánh chuối, bánh tẻ, bánh giò nóng... đều là những món ăn vặt dân dã được bày bán nhiều ở các khu chợ dân sinh, vỉa hè. Những loại bánh trái này cũng là thức "quà chiều" ngon kích thích vị giác những người qua đường. Tuy nhiên, phía sau những món quà vặt thơm lừng đó lại ẩn chứa nhiều hiểm họa cho sức khỏe mà chúng ta phải thận trọng.
Bánh tẻ là thức quà chiều bán nhiều ở các khu chợ dân dã |
Trên khắp đường phố, những xe bán bánh khoai, bánh chuối, các gánh hàng rong bán đủ loại bánh tẻ, bánh bao, bánh khúc... xuất hiện rất nhiều. Ngoài những cửa hàng, thương hiệu lớn có giấy phép kinh doanh và chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm bày bán các loại thực phẩm có nhãn mác, còn đa phần những loại bánh được bán tại các hàng ăn nhỏ lẻ, gánh hàng rong, các khu chợ đều không có bao bì và được làm thủ công.
Trong khi đó, thời tiết hè nóng nực, thức ăn nhanh rất dễ bị ôi thiu. Đặc biệt, các loại bánh trái bán vỉa hè dễ bị "hấp hơi" ôi thiu bởi lớp lá bọc bên ngoài. Các món ăn lề đường có thể tiếp xúc với bụi bặm, vi khuẩn từ bầu không khí ô nhiễm...
Theo chuyên gia ẩm thực, nguyên liệu được dùng để làm các loại bánh ngô, bánh chuối, bánh tẻ, bánh khúc... được làm từ bột mì, bột gạo. Điều đáng lưu ý là quá trình làm các loại bánh này rồi gói bằng lá đều thực hiện thủ công nên rất dễ nhiễm trùng; Quá trình bảo quản không đảm bảo, bánh rất dễ ôi thiu. Các vật dụng dùng để đựng bánh khi bán ở vỉa hè đều không đảm bảo tiệt trùng, dễ nhiễm khuẩn.
Là thức quà vặt bán tại vỉa hè nên mức giá phải rẻ nên người bán cũng chọn nguyên liệu rẻ nhất để cạnh tranh với những cơ sở khác về giá bán. Do đó, không ít người sau khi ăn những loại bánh trái này xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, suy kiệt.
Sốc nhiễm khuẩn vì ăn bánh tẻ
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiễm độc thức ăn là bệnh lý thường gặp. Phần lớn người dân đều nghĩ đây là bệnh lý đơn giản, không nguy hiểm.
Trên thực tế, tại Viện Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hằng ngày vẫn gặp rất nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch.
Cụ thể, vừa qua, bệnh nhân N.B được chuyển lên khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, đang duy trì vận mạch liều cao. Sau khi hoàn thiện các xét nghiệm cơ bản, ngay lập tức, bệnh nhân được nhập khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) để điều trị hồi sức tích cực.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân |
Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng sốt cao liên tục, môi khô, khát nước nhiều, ý thức lơ mơ, đau chướng bụng nhiều, đại tiện phân lỏng liên tục, huyết áp 70/50 mmHg, đang duy trì thuốc vận mạch Noadrenalin liều 0,4mcg/kg/ph, khó thở, thở oxy 5-6l/p, không có nước tiểu.
Bệnh nhân được đặt 2 đường truyền tĩnh mạch ngoại vi, truyền xả dịch nhanh, đồng thời, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm để điều chỉnh dịch truyền, điều trị kháng sinh mạnh kết hợp và các thuốc hồi sức điều chỉnh rối loạn toan kiềm khác.
Sau 3 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân cắt được thuốc vận mạch, tự thở tốt và chức năng thận phục hồi tốt.
Theo lời người nhà kể lại, bệnh nhân đi chăm sóc cháu tại bệnh viện tỉnh và có ăn bánh tẻ do con trai mua cho. Sau ăn khoảng 2 giờ, bệnh nhân bắt đầu thấy đau bụng âm ỉ, quặn cơn, buồn nôn, nôn nhiều kèm đại tiện phân lỏng.
Bốn tiếng sau ăn, bệnh nhân rơi vào tình trạng mệt lả, lơ mơ, da tím tái, tụt huyết áp. Bệnh nhân được cấp cứu ngay tại bệnh viện tỉnh và sau đó chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Bệnh nhân là một trong những trường hợp may mắn, vì được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng (gan, thận, phổi). Sau khi được các bác sĩ hồi sức và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã hồi phục và không để lại di chứng. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp không được may mắn như vậy".
Qua đây, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp khuyến cáo, người dân cần chú ý trong thời tiết nắng nóng, thực phẩm ôi thiu nhanh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là cần được coi trọng hàng đầu.
Khi có biểu hiện đau bụng, nôn và đi ngoài, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời để được điều trị đúng cách; Tránh trường hợp chủ quan, tự ý dùng thuốc dẫn đến bệnh tiến triển nặng và nguy kịch.