Nhức nhối hoạt động giết mổ gia cầm thủ công ở chợ truyền thống
Hà Nội chủ động phương án phòng chống dịch cúm gia cầm Khai mạc phiên giải trình về an toàn thực phẩm |
Nhếch nhác, hôi hám
Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống trên địa bàn quận Hà Đông như chợ Kiến Hưng, chợ Mậu Lương, chợ Hà Đông, chợ Vồ... khách hàng không khó để bắt gặp những lồng nhốt chung gà, ngan, vịt, chim câu đặt ngay cạnh các bàn bán thịt bốc lên mùi hôi tanh cùng nước thải của hoạt động giết mổ bốc lên nồng nặc. Nước thải của việc giết mổ từ đó chảy tràn ra quanh các sạp thịt khiến người mua không khỏi rùng mình, gai người. Tuy nhiên, cảnh mua - bán vẫn cứ diễn ra tấp nập.
Việc giết mổ gia cầm thủ công gây nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống |
Đặc biệt là vào những ngày rằm, mùng một, quang cảnh mua bán quanh những lồng gà sống càng trở lên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Việc giết mổ diễn ra rất nhanh, người bán thoăn thoắt, nhúng gà vào nồi nước sôi sẵn trên bếp, cho vào lồng quay loại bỏ lông, làm sạch và gói vào túi nilon, trả hàng cho khách. Tất cả quy trình này chỉ mất khoảng 15 phút.
Dù liên tục kéo kín khẩu trang, xua tay để làm bay mùi nước thải, hôi tanh của gia cầm vừa mới giết mổ nhưng chị Hồng (ở Kiến Hưng, Hà Đông) cho biết: “Tôi thích mua như thế này hơn thịt bán sẵn vì được tận mắt, tận tay chọn con gà ưng ý, mổ tươi sống để chế biến mà giá cả lại rẻ hơn”.
Sự nhếch nhác, mất vệ sinh đó còn diễn ra ở nhiều khu chợ tạm khác. Theo quan sát của phóng viên, khi giết mổ gia cầm cho khách, đa số người bán hàng đều không sử dụng găng tay. Gà, vịt được nhúng chung vào nồi nước sôi đã đổi màu vẩn đục; Sau đó các tiểu thương đặt ngay xuống nền đất để làm lông và mổ. Phần lông, nội tạng được vứt vương vãi trên nền đất, nước thải chảy khắp đoạn vỉa hè thậm chí tràn xuống cả ngoài lề đường.
Cá biệt, tại nhiều chợ, khu vực mổ gia cầm còn được đặt ngay sát cạnh khu bán thực phẩm đã sơ chế, gần hàng bún, hàng thực phẩm chín hay hàng ăn uống.
Do họp chợ không đúng nơi quy định nên nguồn nước các tiểu thương sử dụng để rửa thực phẩm được lấy theo từng xô chậu nên họ sử dụng một chậu nước để rửa chung cho nhiều lần giết mổ. Sau mỗi buổi họp chợ, tất cả các loại rác thải được tiểu thương vứt bừa bãi ngay ven đường, bốc mùi nồng nặc, ruồi nhặng vây quanh.
Mối nguy lây lan dịch bệnh
Tiện cho khách hàng và cả người bán nhưng sự nhếch nhác, tạm bợ trong hoạt động giết mổ gia cầm thủ công tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh do không được kiểm tra thú y.
Theo nhiều nhà khoa học, nếu quá trình giết mổ, sơ chế không đảm bảo, các sản phẩm thịt rất dễ nhiễm mầm bệnh như Salmonella, E.coli, giun xoắn... Đây là những vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm, gây tiêu chảy hàng đầu.
Hoạt động giết mổ gia cầm được thực hiện ngay dưới đất, bên cạnh là các hàng bán thực phẩm chế biến sẵn |
Để loại bỏ tình trạng này, trước hết các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến để tiểu thương có ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; Đồng thời cần có biện pháp quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, xử phạt các hộ kinh doanh vi phạm, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện còn 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong tổng số 738 cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố. Mặc dù, thành phố đã có quy định cấm giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh nhưng chỉ có huyện Thanh Trì không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; Còn tại các quận huyện trên địa bàn thành phố, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công vẫn hoạt động, nằm len lỏi tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh, khu dân cư… Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn khó khăn.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, lực lượng tại cơ sở mỏng trong khi các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia cầm sống nhiều; Ban quản lý các chợ, chính quyền cơ sở chưa kiên quyết trong việc xử lý vi phạm là một trong những nguyên nhân khiến việc giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh vẫn còn tồn tại như một nỗi nhức nhối.
Bên ngoài mổ gà, bên trong là hàng ăn sáng |
Cùng với việc tăng cường quản lý từ cơ quan chức năng, việc thay đổi ý thức, thói quen của một bộ phận người tiêu dùng trong mua và sử dụng gia cầm giết mổ tại chỗ cũng góp phần quan trọng không kém.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, một trong những biện pháp để người tiêu dùng tự bảo vệ mình chính là chỉ sử dụng gia cầm có địa chỉ rõ ràng, có dấu kiểm dịch của ngành chức năng. Bên cạnh đó, để sớm chấm dứt tình trạng này, các cơ quan liên quan cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như kiểm soát các xe chở gia cầm sống từ ngoại thành vào nội đô, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân...; nhất là đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại.