Ôm "cục tức" khi mua thực phẩm online
Phòng ngộ độc botulinum từ thực phẩm đóng hộp Mối nguy hại từ thức ăn thừa Thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm Ăn trứng ra sao để không bị ngộ độc thực phẩm? |
"Hoa mắt" với các loại thực phẩm được bán online
Khi tìm kiếm cụm từ “thực phẩm online", chưa đầy 1 giây đã cho ra 14.384.095 kết quả. Trên các chợ ảo, nhiều loại thực phẩm được chào bán, trao đổi với những hình ảnh bắt mắt, với những cụm từ hấp dẫn như “rẻ nhưng chất lượng”, “đảm bảo an toàn”… thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.
Dạo quanh các trang mạng xã hội, có thể thấy, tất cả các loại sản phẩm, hàng hóa, từ rau, củ, quả đến thịt gia súc, gia cầm… đều được rao bán trên chợ Online. Chỉ cần ngồi nhà, lướt mạng vài phút rồi bấm điện thoại, người tiêu dùng có thể mua bất kỳ thực phẩm gì và được giao hàng đến tận cửa nhà.
Chị Vũ Thị Lan, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai cho biết: “Mình làm nghề may, còn chồng làm nghề sửa xe, nhiều lúc bận rộn không có thời gian để đi chợ. Việc mua thực phẩm online giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian. May mắn hơn, mình tìm được cơ sở bán thực phẩm ngon, sạch như nhà làm nên cũng thường hay mua để sử dụng cho gia đình”.
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc được chào bán trên mạng xã hội |
Tương tự, anh Vũ Quang Hiếu, người dân sinh sống tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cũng chọn hình thức mua thực phẩm online để tiết kiệm thời gian. Anh Hiếu chia sẻ: “Trước đây, tôi rất ít khi mua thực phẩm, hàng hóa trên mạng, tuy nhiên, thời gian gần đây, công việc của tôi bận rộn hơn nên đã lựa chọn mua thực phẩm trên các trang mạng xã hội để tiết kiệm thời gian di chuyển. Mặc dù biết rõ, chất lượng cũng như nguồn gốc các loại thực phẩm này đều không rõ ràng, thậm chí có nguy cơ mua phải sản phẩm kém chất lượng, tuy nhiên, vì những tiện lợi trước mắt nên tôi cũng nhắm mắt liều mua”.
Nếu như mua hàng tại các chợ truyền thống, siêu thị hay trung tâm thương mại, người mua sẽ được tận mắt nhìn thấy, tận tay lựa chọn sản phẩm. Tuy nhiên, khi mua hàng online, tất cả đều phụ thuộc vào cái tâm của người bán hàng. Chính vì thế, đã có rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi mua thực phẩm online.
Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm đưa lên mạng đều mang trong mình hình ảnh ba không: Không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có thông tin dinh dưỡng, không hạn sử dụng. Mọi câu từ quảng cáo, thu hút khách hàng đều được cân nhắc bằng giá cả, ưu đãi... Người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng đến khách.
Hầu hết các sản phẩm đưa lên mạng đều không rõ nguồn gốc và chất lượng |
Chị Vũ Thị Lưu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã từng “vỡ mộng” khi nhận hoa quả mua trên mạng. Tôi đặt mua quả bơ sáp, trên hình ảnh quả bơ tươi ngon, da căng bóng nhưng khi nhận, quả bơ héo, da nhăn. Gọi cho chủ hàng thì nhận được lời hứa sẽ “bù” trong lần mua sau. Tuy nhiên, tôi không bao giờ còn dám mua của nhà đó nữa”.
Hay như trường hợp của bà Trần Thị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội), trong một lần, nhờ người thân đặt pa tê qua mạng. “Khi đặt hàng, nhìn hình ảnh sản phẩm đăng lên thì ngon và đầy đặn nhưng khi hàng đến nơi, hộp patê vơi, màu tối, nếm thử thấy có mùi lạ nên tôi không dám ăn”, bà Thu chia sẻ.
Người dân nên kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi nhận hàng
Hiện nay, việc mua sắm online trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút đông đảo sự quan tâm của người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng. Tuy nhiên hầu hết hàng hoá bán trên mạng xã hội không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không được kiểm soát, chưa kể, vì lợi nhuận, người bán hàng sẵn sàng quảng cáo sai sự thật, các điểm kinh doanh online không có địa chỉ cụ thể hoặc không có giấy tờ, hóa đơn hợp lệ… khiến người tiêu dùng hoang mang, khi xảy ra sự cố không biết liên hệ với ai để giải quyết.
Người dân cần cảnh giác khi mua sắm online |
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát và có những biện pháp xử lý những địa chỉ bán hàng thực phẩm online không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tuy nhiên, việc xử lý này cũng rất khó khăn.
Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, trước hết là người dân cần nâng cao nhận thức trong việc mua sắm online. Khi có nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng hóa trên mạng, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn cơ sở uy tín, nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận về vấn đề an toàn thực phẩm và phải có cam kết rõ ràng nếu không may xảy ra sự cố liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần yêu cầu người kinh doanh cho kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán để đánh giá chất lượng sản phẩm và kiểm tra lại thông tin sản phẩm (bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng, nơi sản xuất,...) có đúng với cam kết, quảng cáo của người bán hay không.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần chú ý đến các thông số cấu thành nên sản phẩm, giá trị dinh dưỡng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản…