Phụ nữ Thủ đô chung tay nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm
Hơn 65.000 hội viên tham gia các mô hình an toàn thực phẩm
Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm” do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức, ngày 15/5.
Thông tin tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội luôn chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Quang cảnh tọa đàm |
Theo đó, hằng năm, Hội phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, các tổ chức, doanh nghiệp… khai thác các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Tổ chức các hội thi như: Hội thi nấu ăn “An toàn thực phẩm cho phụ nữ và trẻ em”, Hội thi Tìm hiểu Luật an toàn thực phẩm (ATTP), Giao lưu “Nội trợ giỏi - Bữa ăn an toàn”; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, nông sản thực phẩm an toàn của cán bộ, hội viên phụ nữ…
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện và cơ sở chú trọng xây dựng và thực hiện 1.691 mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các làng nghề, ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm thu hút 65.548 hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia.
Bằng những việc làm thiết thực, các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm trong các cấp Hội phụ nữ Hà Nội góp phần giúp hội viên, phụ nữ và Nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTP tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn; Nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, chung tay cùng các ngành, các cấp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa thành phố.
Liên kết tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm
Tại hội nghị, các đại biểu Hội LHPN các cấp đã thảo luận, nêu thực trạng, phân tích những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ những mô hình hay... nhằm nâng cao chất lượng trong thực hiện công tác đảm bảo ATTP.
Chia sẻ tại tọa đàm, chị Ngô Thị Duệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ứng Hòa cho hay, nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP và giảm thiểu ô nhiễm môi trường Hội LHPN huyện phát động phong trào "Phụ nữ Ứng Hòa thực hiện an toàn thực phẩm", "Ngày chủ nhật không túi nilon".... Đến nay, các cơ sở Hội đã ra mắt 14 mô hình "Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong ATTP", trao tặng 500 làn nhựa cho hội viên, tổ chức ký cam kết với những nội dung cụ thể... nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, thay đổi thói quen của người dân trong việc thường xuyên sử dụng túi nilon.
Chị Ngô Thị Duệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ứng Hòa chia sẻ tại tọa đàm |
Để thực hiện tốt mô hình thay đổi hành vi đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, chị Nguyễn Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Phú, huyện Thạch Thất đề xuất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ; Lựa chọn, định hướng đối tượng vật nuôi hợp lý với từng khu vực, quy hoạch thành các khu vực chăn nuôi tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường; Liên kết tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm như bếp ăn tập thể, trường học, các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thực phẩm…
Kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đề nghị trong thời gian tới các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ hội viên phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm; Cung cấp kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội về an toàn thực phẩm; Kỹ năng vận động, giám sát về an toàn thực phẩm…
Các cấp hội kịp thời hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng, quy trình của sản phẩm theo hướng đảm bảo an toàn; Kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị; Thực hiện tốt cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "5 không , 3 có" đối với những xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu; Tiếp tục duy trì và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện an toàn thực phẩm phù hợp với từng địa phương.