Rước bệnh vì thói quen "tiếc rẻ" thức ăn thừa
Cắt bỏ phần thức ăn đã hỏng, ăn phần còn lại có độc hại?
Thức ăn thừa luôn là vấn đề “đau đầu” của các bà nội trợ, bởi đa phần chị em hay có suy nghĩ khi nấu nướng “thừa còn hơn thiếu”. Do đó, việc cất giữ và bảo quản đồ ăn thừa đã trở thành thói quen khá phổ biến của người Việt.
Trong cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều người thường đi chợ tuần từ 1- 2 lần thay vì đi thường xuyên hàng ngày, thức ăn mua về cũng cố mua “dư một chút”. Đây chính là những thói quen khiến cho lượng thức ăn “tích trữ” trong tủ bếp và tủ lạnh của mỗi gia đình dễ bị hỏng, nấm mốc, ôi thiu khi đã lâu không được sử dụng.
Nhiều bà nội trợ thường có thói quen chế biến lại thức ăn thừa, thậm chí cả những thức ăn đã có dấu hiệu ôi thiu |
Không giống như thức ăn đóng gói sẵn có hạn sử dụng ngày tháng rõ ràng, đồ ăn tươi rất khó có thể nắm bắt được có thể tiếp tục ăn chúng trong bao nhiêu ngày sau khi cất trữ.
Nhiều chị em vẫn còn suy nghĩ tiếc rẻ, sợ lãng phí đồ ăn nên ngay cả khi thấy thực phẩm có dấu hiệu đổi màu sắc, bốc mùi chua hay bị nhớt bên ngoài những vẫn còn mùi thơm đặc trưng nên vẫn cố ăn.
Các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, gà, cá hay giò chả… khi có dấu hiệu hỏng thường được chế biến cho thêm nhiều muối, gia vị kho mặn để tiếp tục ăn rồi sau đó lại bị nấu đi nấu lại nhiều lần. Còn các loại hoa quả, bánh trái… khi có dấu hiệu nấm mốc, các bà nội trợ thường cắt bỏ đi những phần nấm mốc và sử dụng phần còn lại.
Do đó, các bà nội trợ cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, ngay cả đối với những thực phẩm đã chế biến sẵn chưa hết hạn sử dụng in trên bao bì; Không nên vì “tiếc của” mà cố ăn những phần thực phẩm đã bị mốc bởi kể cả khi loại bỏ những phần mốc nhưng phần còn lại cũng không an toàn với người sử dụng.
Một số loại nấm mốc như vi nấm Aflatoxin gây xơ gan và ung thư gan hoàn toàn không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, dù có nấu đến 100 độ C.
Vi nấm đã chết nhưng độc tố thì vẫn còn tồn tại.Vi nấm Aflatoxin không gây ngộ độc thức ăn, nhưng có tác dụng “mưa dầm thấm đất”. Chúng phá gan và gây ung thư, từ từ không ồ ạt nhưng rất độc.
Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm bị mốc, chúng ta có thể thấy và cắt bỏ đi phần đó bởi lúc này nó đã quá nhiều, “hiển thị” rõ hơn để mắt thường nhìn thấy được. Tuy nhiên, những vị trí gần đó thì không có gì đảm bảo chắc chắn là không có mốc. Bởi bào từ vi nấm phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy.
Ăn đồ ôi thiu nguy hại đến sức khoẻ ra sao?
Mùa hè nắng nóng, bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể khiến thực phẩm dễ ôi thiu, tạo thuận lợi cho vi khuẩn, virus và ký sinh trùng sinh sôi. Trong khi đó, cơ thể trong mùa nắng nóng thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm, nếu ăn phải thực phẩm không đảm bảo hoặc bảo quản thực phẩm không tốt có thể gây ngộ độc như thường.
Đó là lý do dễ xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận các trường hợp rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Chú ý bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh ngăn nắp sạch sẽ |
ThS.BS Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Trong thời tiết mùa hè, người dân nên cẩn trọng hơn trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm và ăn uống. Bởi nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra.
Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút”.
Theo bác sĩ Hoài Phương, nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập rất cao ở các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao cũng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn.
Những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, sốt…; Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, cơ thể bị mất nước và nhiễm độc nặng có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng.
Do đó, nếu các dấu hiệu ban đầu không cải thiện kèm theo nôn, nhịp tim nhanh, mắt trũng và đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, tiêu chảy ra máu, sốt cao, người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.