Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học
Hiện trên địa bàn Ba Đình hiện có 3.240 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quận có 3 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 7 chợ, trong đó số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ là 806.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, UBND quận đã lập 17 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm.
Trong “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm 2024, UBND quận chỉ đạo thành lập thêm 1 đoàn kiểm tra cấp quận tăng cường kiểm tra đột xuất.
Lãnh đạo quận Ba Đình nhận khen thưởng có nhiều thành tích trong “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm 2024 tại hội nghị (Ảnh: Mai Hữu) |
Toàn quận đã kiểm tra 836 cơ sở, phát hiện và xử lý 61 cơ sở vi phạm với số tiền phạt 176 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa tương đương hơn 14 triệu đồng.
6 tháng đầu năm, quận đã xét nghiệm tổng số 881 mẫu (số mẫu đạt là 824, số không đạt là 57). Trong “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm”, quận đã xét nghiệm tổng số 514 mẫu (số mẫu đạt là 465, số không đạt là 49).
Nhờ các giải pháp đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Ba Đình. Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Ba Đình là một trong 10 tập thể được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
Những tháng đầu năm 2024, UBND quận xây dựng và triển khai mô hình “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Ba Đình”, với mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.
Quận đã phối hợp các Sở, ban, ngành trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đánh giá đơn vị bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu, quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, chia suất ăn tại nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố biến động thường xuyên, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.
Một số cơ sở chưa có ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm, còn chạy theo lợi nhuận kinh doanh, hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ chưa được duy trì thường xuyên.
Cán bộ chuyên trách công tác an toàn thực phẩm tại UBND các phường còn thiếu, thay đổi thường xuyên dẫn đến khó khăn trong việc rà soát, quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn.
6 tháng cuối năm 2024, quận Ba Đình tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học trên địa bàn quận; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đáng chú ý, quận sẽ tổ chức diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc tại bếp ăn tập thể trên địa bàn; duy trì, phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ quận đến các phường.
Đồng thời, quận tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, quản lý các chợ, siêu thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm.