Tăng cường triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023
Theo đó, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác hậu kiểm đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống theo Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27/12/2022 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023, căn cứ trách nhiệm hậu kiểm về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 38 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp thực hiện tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn (đối với các tỉnh/thành phố chưa ban hành Kế hoạch hậu kiểm).
Ảnh minh họa |
Các đơn vị tập trung triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm các dịp cao điểm; Tăng cường lực lượng và nguồn lực để kiểm soát giảm tối đa số vụ, số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, các tỉnh thành phố triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm.
Đối với nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, yêu cầu tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tự công bố sản phẩm (không tự công bố sản phẩm, vi phạm về phiếu kiểm nghiệm để tự công bố, tự công bố sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố, vi phạm về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm…).
Ngoài ra, các đơn vị kiểm tra về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (GMP), cơ sở thuộc diện được miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm... Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm theo quy định của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, Nghị định số 124/2021/NĐ-CP và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan.
Đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, tập trung hậu kiểm đối với các doanh nghiệp nằm trên địa bàn đã đăng ký bản công bố sản phẩm (tra cứu tên, địa chỉ doanh nghiệp và Giấy tiếp nhận theo tỉnh, thành phố tại trang https://nghidinh15.vfa.gov.vn).
Các đơn vị kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm, ưu tiên lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BYT (nhóm sản phẩm hỗ trợ giảm cân, sinh lý, xương khớp, đái tháo đường, huyết áp…).
Các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Sở: Thông tin và Truyền thông, Công an, Công thương đẩy mạnh xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là xử lý vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng, mạng xã hội, YouTube…công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong kiểm soát thực phẩm giả, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với thực phẩm chức năng (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung và thực phẩm dĩnh dưỡng y học) theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm phân công, phân cấp cho các Sở, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn.