Vụ 7 người ngộ độc ở TP Thủ Đức: Cơ quan chức năng đang xác minh nguyên nhân
Phòng ngộ độc thực phẩm từ những bữa ăn ngoài trời khi đi du lịch hè Cảnh báo và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè Bài 3: Hạn chế rủi ro ngộ độc thực phẩm bằng cách nào? |
Theo ông Nguyễn Văn Khuôn, Phó Trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức, trong số 7 người ngộ độc, đã có 2 người được xuất viện, 1 người tử vong và 3 người đang tiếp tục nằm viện điều trị. Ngoài ra, có 1 trường hợp bị nhẹ, chưa cần nhập viện.
Cụ thể, những trường hợp đầu tiên bị ngộ độc ngày 13/5 là 4 người ở phường Long Thạnh Mỹ. Sau khi nhóm này mua 1 cây chả giò ăn với bánh mì, đến hôm sau (14/5) thì có triệu chứng ngộ độc và nhập viện.
Trường hợp thứ 2 là nhóm 4 người ăn bún mắm do mua nguyên liệu về nhà tự nấu. Trong 4 người ăn thì chỉ có một người bị ngộ độc nhập viện ngày 20/5 và tử vong sau đó.
Trường hợp thứ 3 là 2 thanh niên mua cây giò chả với giá 30.000 đồng về ăn với bánh mì thì đến hôm sau bị ngộ độc. Người em nhập viện ngày 20/5 và đến chiều cùng ngày, người anh cũng nhập viện.
Ông Nguyễn Văn Khuôn, Phó Trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức thông tin chiều 15/6 |
Ông Khuôn cho hay, Công an TP Thủ Đức vẫn đang tiến hành điều tra dịch tễ của 4/7 nạn nhân liên quan (do 2 nạn nhân hôn mê sâu và 1 nạn nhân tử vong không thể điều tra). Dựa vào triệu chứng lâm sàng, thời gian khởi phát, kết quả điều tra dịch tễ và kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Quân Dân Miền Đông, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Báo cáo số 428/BC-TTYT ngày 6/6/2023 của Trung tâm Y tế về kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức, qua đó nhận định các trường hợp trên bị ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium Botulinum.
Phó Trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức thông tin, thành phố vẫn đang theo dõi sát diễn biến sức khoẻ của các bệnh nhân nằm viện để khai thác thông tin và phối hợp điều tra.
"Khi truy tìm được người bán hàng rong giò chả, người này ban đầu không chịu hợp tác. Sau khi lực lượng chức năng can thiệp, người này mới khai hằng ngày lấy giò chả do tự mình sản xuất rồi bán cho người có nhu cầu, nhiều nơi bán không rõ địa chỉ nên việc truy vết sản phẩm rất khó khăn", ông Khuôn nói.
Đối với 2 cơ sở sản xuất chả lụa tại phường Trường Thọ liên quan đến vụ việc, Phó Trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết, 2 cơ sở này không biển hiệu, sản phẩm không có tem mác, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Chủ khai mua thịt từ các chợ nhỏ lẻ về làm giò chả. Sau vụ việc, cơ quan đã có văn bản đình chỉ hoạt động cơ sở để tiếp tục điều tra.
Thời gian qua, TP Thủ Đức cũng đang tăng cường công tác kiểm tra theo Kế hoạch số 361/KH-UBND ngày 25/5/2023 về tháng cao điểm kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Thủ Đức năm 2023. Qua đó, TP đã ký cam kết ngừng hoạt động 3 cơ sở; Gia hạn hoàn thiện trong 30 ngày cho 3 cơ sở; Xử phạt 2 cơ sở và tiêu hủy tại chỗ 200kg hàng hóa.