Ăn trưa với món sườn lợn, người đàn ông phải nhập viện cấp cứu
Nam thanh niên thủng ruột vì hóc xương cá Suýt mất mạng vì hóc xương cá Bệnh nhân hóc xương cá hy hữu trong phế quản suốt 1 năm Xương cá nằm ngoài cổ sau hóc 1 tháng tạo thành ổ mủ lớn |
Hy hữu bệnh nhân hóc xương lợn kích cỡ 3cm
Bệnh nhân đến viện khám, qua thăm khám và trên kết quả chụp X-quang cột sống cổ phát hiện có hình ảnh dị vật cản quang ở thực quản.
Ngay sau khi hội chẩn, người bệnh được chỉ định nội soi thực quản để lấy dị vật. Tại bệnh viện, bác sĩ đã tiến hành gây mê và thực hiện nội soi phát hiện tại thực quản vị trí cách cung răng trên 20cm có 1 dị vật sắc nhọn, bề mặt niêm mạc thực quản trầy xước.
Các bác sĩ nội soi gắp dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhân. |
Các bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật ra ngoài, dị vật là một đoạn xương sườn lợn kích thước khoảng 3 cm khá lớn và cứng.
BSCKII Phạm Thị Đào Chinh, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: "Dị vật đường tiêu hóa trong lúc ăn uống hay gặp là các loại xương cá, rồi đến xương gà, xương vịt, hoặc một số các loại dị vật như tăm, tre, cầu răng giả… hiếm thấy bị hóc xương lợn.
Dị vật thường mắc tại thực quản nên rất nguy hiểm, bệnh nhân cần được cấp cứu xử lý sớm nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề như loét, chảy máu, tạo ổ áp xe, nặng hơn là thủng trung thất hoặc dị vật đâm vào đoạn thực quản làm thủng động mạch…
Ngoài ra, một số dị vật qua được thực quản xuống dạ dày, tuy nhiên nếu không lấy ra ngoài thì dị vật đó có thể đi tiếp xuống ruột mắc ở ruột gây thủng ruột, gây áp xe… khi đó phải phẫu thuật qua đường bụng để lấy ra".
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thay đổi thói quen ăn uống: Ăn chậm nhai kỹ; Không vừa ăn vừa nói chuyện đặc biệt chú ý với trẻ em, người già hoặc những người mang răng giả.
Mắc dị vật là một cấp cứu ngoại khoa nên khi nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh để lâu có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng và tính mạng.
Cảnh báo nhiều thói quen ăn uống dễ bị hóc dị vật
Dị vật đường ăn là một cấp cứu phổ biến trong tai mũi họng do thói quen ăn uống không cẩn thận. Các bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân gặp các trường hợp tương tự. Tình trạng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Mổ cấp cứu cho bệnh nhân bị áp xe trung thất do hóc xương cá. |
TS. BS Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, dị vật đường ăn thường chủ yếu là xương động vật (xương cá, xương gà, xương vịt, xương lợn); Ngoài ra có thể gặp các loại hạt kích thước to (Hạt hồng xiêm, hạt vải, hạt nhãn…); Các đồ chơi trẻ em vô tình nuốt; Các vật dụng thường ngày như: Tăm tre, đồng xu, kim băng, răng giả…
Nguyên nhân của dị vật đường ăn là do thói quen ăn uống không cẩn thận như vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa; Vừa ăn vừa uống rượu bia; Ăn đồ ăn có xương rồi nuốt luôn cả xương...
Đối với người già lắp răng giả không chắc, khi nhai nuốt dễ làm trôi răng giả xuống đường ăn. Trẻ em ăn không biết cách nhằn xương kỹ, bị ép ăn trong khi đang khóc; Hoặc người lớn không trông chừng trẻ nhỏ khiến trẻ nuốt đồ chơi, đồng xu…
Một nguyên nhân nữa dễ làm tăng nguy cơ mắc dị vật đường ăn là thói quen chế biến các món ăn lẫn cả thịt và xương như chặt gà lẫn xương, cá nấu xương lẫn canh hoặc bún, phở có lẫn thịt và xương…
Cũng theo TS. BS Phạm Thị Bích Thuỷ, biểu hiện của dị vật đường ăn là khi chúng mắc vào thực quản gây rách hoặc sung huyết, sưng nề niêm mạc thực quản. Niêm mạc thực quản khi bị tổn thương gây viêm niêm mạc, viêm lan tỏa hoặc áp xe dưới niêm mạc.
Khối viêm còn khu trú trong niêm mạc và lớp cơ thực quản, chưa phá vỡ lá thành bao quanh cơ thực quản gọi là viêm tấy hoặc áp xe thành thực quản. Khi dị vật gây thủng thực quản xuyên qua lớp cơ gây viêm tấy lan tỏa hoặc áp xe quanh thực quản ở vùng cổ hoặc ngực gây áp xe trung thất dẫn tới tử vong nếu không điều trị tích cực.
Dị vật sắc nhọn cắm ở vị trí thực quản ngực còn dễ làm thủng động mạch cảnh gây thiếu máu cấp dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
"Có 4 chỗ hẹp tự nhiên dị vật thực quản dễ mắc lại là: Miệng thực quản, Vị trí quai động mạch chủ bắt chéo qua thành trước thực quản, Phế quản trái bắt chéo qua thực quản, Chỗ chui qua cơ hoành và tâm vị", TS. BS Phạm Thị Bích Thuỷ cho biết.
Do đó, theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng ngừa dị vật đường ăn, người già, trẻ nhỏ không nên ăn những món ăn có lẫn xương; Khi ăn cần cẩn thận với các thức ăn có xương. Mọi người nên gỡ xương rồi mới ăn, hoặc nên kiểm tra thức ăn cho trẻ nhỏ, người già để gỡ hết xương.
Trong khi ăn uống, mọi người không nói chuyện, cười đùa, đặc biệt trong những bữa liên hoan, ăn uống dịp lễ Tết đông người; Lưu ý ăn chậm khi uống rượu.
Đối với người say rượu, nên có người để ý, chăm sóc ăn uống cẩn thận. Đối với trẻ em, phụ huynh không nên ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc hoặc giãy dụa, nô đùa; Lưu ý trông chừng, giám sát trẻ; Không để trẻ chơi những đồ vật nhỏ, dễ nuốt hoặc các các hạt nhỏ như lạc, đỗ, ngô…
Đối với người già cần cẩn thận khi sử dụng răng giả trong ăn uống. Khi bị hóc dị vật, bệnh nhân cần được đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và can thiệp kịp thời; Không chữa mẹo theo mách bảo; Không chậm trễ, để lâu dễ gây những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.