Cẩn trọng với thuốc bổ, thực phẩm chức năng bán trên TikTok
Nhiều sản phẩm bán trên Tik Tok bị "tuýt còi"
Mới đây, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian vừa qua trên website và Tik Tok: https://vidananochinhhang.com/; https://vt.tiktok.com/ZS84kjuug/; https://vt.tiktok.com/ZS84kRLgJ/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm; Nội dung quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano do Công ty TNHH BIGSHARK (địa chỉ trụ sở chính: 234 Trịnh Đình Cửu, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Tại biên bản làm việc số 37/BB-ATTP, ông Vũ Tiến Dũng - người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Công ty TNHH BIGSHARK đã khẳng định các trang website và TikTok nêu trên, công ty không thực hiện và không chịu trách nhiệm về các nội dung quảng cáo.
Cục An toàn Thực phẩm đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn Thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano tại các trang website, TikTok nêu trên vì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thiệt hại về kinh tế.
Hàng chục nghìn loại thuốc tân dược, thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm |
Chiêu trò của các quảng cáo bán thực phẩm chức năng xuất hiện trên TikTok là thường lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng hoặc những người tự nhân bác sĩ tư vấn "nổ" về công dụng.
Việc mạo danh là bác sĩ nổi tiếng, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc đã diễn ra từ lâu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã can thiệp bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể chấm dứt tình trạng này.
Trước thực trạng này, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo và khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh.
Luật An toàn thực phẩm quy định: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".
Cục An toàn Thực phẩm cũng khuyến cáo: "Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe".
Cẩn trọng khi mua thực phẩm chức năng trên TikTok
Ra mắt vào giữa tháng 4/2022, TikTok Shop đánh dấu sự hình thành của mảng kinh doanh thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Việt Nam. Trên TikTok, các thương hiệu và người nổi tiếng có ảnh hưởng được khuyến khích quảng cáo sản phẩm của họ thông qua video, livestream để tăng doanh số bán hàng. Người dùng có thể mua sắm thông qua các gian hàng của người bán trực tiếp trên ứng dụng.
Thuốc bổ, thực phẩm chức năng tràn ngập mạng xã hội TikTok |
Tuy nhiên, TikTok shop đang trở thành điểm tập trung mới của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Không riêng tại Việt Nam, người dùng trên khắp thế giới cũng phản ánh tình trạng này.
Mặc dù TikTok Shop đã đưa ra các quy định tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu. Nếu vi phạm, tùy vào mức độ và tần suất, TikTok sẽ có biện pháp cảnh cáo, cưỡng chế, xử phạt hay báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
Cũng theo quy định, TikTok quản lý rất chặt chẽ các mặt hàng liên quan đến bà bầu, mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng. Gian hàng muốn kinh doanh các mặt hàng này phải cung cấp rất nhiều giấy xác nhận, chứng từ cấp phép khác nhau. Tuy nhiên, hiện cũng có rất nhiều cách “lách luật” như nhờ các đơn vị hỗ trợ xây kênh, người bán sẽ được hướng dẫn để được thông qua hoặc mở ngành hàng nhanh chóng hơn.
Ngay cả khi không được duyệt sản phẩm trên TikTok Shop, người bán vẫn có thể sử dụng nền tảng để đăng tải video quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng và dẫn người mua qua các kênh khác như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Do đó, để tránh mua phải các loại thực phẩm chức năng hàng giả, hàng kém chất lượng, người mua hàng cần kiểm tra thông tin cụ thể về người bán hàng; Kiểm tra độ uy tín của trang web bán hàng do người bán cung cấp (nếu có); Tìm kiếm tên thương hiệu/cá nhân với các từ khóa “hàng giả” hoặc “lừa đảo”.
Với các loại thuốc bổ bán trên mạng, người tiêu dùng không nên hoàn toàn tin tưởng vào lời quảng cáo hàng thật, chính hãng 100% của người bán mà cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên gia y tế.
Cũng theo khuyến cáo của các bác sĩ, trước khi quyết định sử dụng bất cứ loại thực phẩm chức năng nào, việc đầu tiên mọi người cần làm là tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ đang theo dõi sức khỏe cho mình.
Đáng tin cậy nhất là những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, khuyến cáo sử dụng, sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép đi kèm với những giấy tờ chứng nhận hợp pháp của sản phẩm được công khai trên website của các công ty sản xuất và nhập khẩu, phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm rằng thực phẩm chức năng là thuốc bổ nên sẽ không có tác dụng phụ. Với các kiểu quảng cáo hoa mĩ đầy hứa hẹn về những tác dụng thần kỳ của sản phẩm cũng như giúp hỗ trợ điều trị tất cả các bệnh mà con người mắc phải, người tiêu dùng ngày càng bị dẫn dắt, thuyết phục và dẫn đến việc có nhận thức sai lệch về công dụng thực sự của các sản phẩm này.
Để trở thành người tiêu dùng thông thái đối với thực phẩm chức năng, chúng ta cần nhận thức rõ: Thực phẩm chức năng khác với thuốc chữa bệnh, chúng không có tác dụng điều trị bệnh một cách trực tiếp như thuốc. Trong bất kì trường hợp nào, sản phẩm này cũng chưa thể thay thế được thuốc chữa bệnh.