Huyện Gia Lâm: Nhắc nhở, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Phát hiện nhiều vi phạm tại nhà hàng Bảo Minh
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố đã đi thực tế kiểm tra bếp ăn trường học của trường mầm non Cổ Bi (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm).
Trường mầm non Cổ Bi có khoảng 542 học sinh với số lượng nhân viên cấp dưỡng là 12 người, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 61 người.
Công tác lưu mẫu theo 3 bước được nhà trường thực hiện tốt |
Trường có bếp ăn bán trú được cấp giấy chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm", đầu tư các trang thiết bị dụng cụ phục vụ công tác bán trú đầy đủ như tủ lạnh lưu mẫu, tủ hấp khăn, sấy bát, dụng cụ nấu, chế biến, chia ăn bằng inox.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố kiểm tra bếp ăn trường học |
Khu vực bếp ăn của nhà trường đã tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; Bố trí theo nguyên tắc một chiều; trang bị đầy đủ trang thiết bị. Cửa sổ có các hệ thống tấm lưới chắn côn trùng.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng nhắc nhở nhân viên chế biến thường xuyên chú ý phải sử dụng găng tay, khẩu trang, mũ khi chế biến... Kho chứa đồ ăn khô cần có thêm hệ thống thoáng khí để chống nóng bí trong mùa hè, xét nghiệm nhanh 2/5 bát ăn còn dính tinh bột cần rửa kỹ càng hơn.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá: "Tại thời điểm kiểm tra, nhà trường xuất trình đầy đủ các giấy tờ hồ sơ pháp lý, về nguồn gốc thực phẩm, hoá đơn chứng từ, giấy khám sức khoẻ của các nhân viên, giáo viên trong trường... Bếp ăn đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, công tác lưu mẫu thực hiện tốt 3 bước ghi đầy đủ ngày giờ.
Nhà trường cần phát huy và kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn nguyên liệu đầu vào từ khâu nhận thực phẩm, khâu chế biến món ăn chia suất cho học sinh bán trú đảm bảo vệ sinh... Nhà trường sử dụng nước uống, sữa, thực phẩm cho các bữa chính và bữa phụ cho học sinh có đầy đủ giấy tờ nhập hàng".
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội tiếp tục công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại nhà hàng Bảo Minh (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm).
Thực phẩm bảo quản tủ đông lạnh lộn xộn, cửa sổ không có tấm chắn côn trùng |
Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm như các lọ đựng gia vị không ghi nhãn mác, hạn sử dụng, thực phẩm bảo quản tủ đông lạnh trong bếp sắp xếp lộn xộn.
Các lọ đựng gia vị không ghi nhãn mác, hạn sử dụng |
Đoàn kiểm tra cũng phát hiện bếp của nhà hàng xuất hiện kiến và ruồi do cửa sổ không có tấm chắn côn trùng xâm nhập và yêu cầu nhà hàng sớm khắc phục những lỗi sai phạm kể trên.
Qua xét nhiệm nhanh, dầu ăn không có dấu hiệu tái chế sử dụng, test nhanh tinh bột đạt 5/5 bát. Nhà hàng cũng thiếu một số hồ sơ pháp lý cần bổ sung sớm.
Ra quân kiểm tra 732 cơ sở xử phạt 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Tại buổi làm việc, theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, tổng số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện: 9.727 cơ sở.
Ngày 14/4/2022 UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” huyện Gia Lâm tới 100% các xã, thị trấn; Chỉ đạo UBND xã, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch tháng hành động vì ATTP năm 2022.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn huyện Gia Lâm. |
UBND huyện ban hành Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 13/4/2022 thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm; kiểm tra công tác triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 tại 22 xã, thị trấn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Cụ thể, 3 đoàn kiểm tra cấp huyện và 22 đoàn kiểm tra cấp xã đã đồng loạt ra quân kiểm tra 732 cơ sở xử phạt 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm với tổng số tiền là 5,2 triệu đồng. Trong hai năm qua, huyện không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.
Trong quá trình thanh kiểm tra, huyện Gia Lâm cũng gặp một số khó khăn do tình hình dịch vừa ổn định, các cơ sở mới hoạt động trở lại nên việc cập nhật đôn đốc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Công tác kiểm tra đạt tỷ lệ chưa cao. Việc xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế, chủ yếu là tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở.
Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa cao, có thái độ chưa hợp tác với đoàn kiểm tra.
Đặc biêt, trên địa bàn huyện còn một số chợ cóc, chợ tạm, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; do vậy, công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn.
Một bộ phận người tiêu dùng còn tâm lý dễ dãi trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm, tạo điều kiện cho các thực phẩm không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường.