Kỳ 1: Nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn thực phẩm
Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền ATTP
Trong những năm qua công tác bảo đảm an ninh, ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý an toàn thực phẩm được rà soát, bổ sung, đáp ứng với yêu cầu quản lý trong nước và hội nhập quốc tế.
Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về ATTP có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm.
UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024. |
Hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024, 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động qua các lớp tập huấn, phát thanh loa, đài, băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tờ rơi... đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng nghiêm chỉnh chấp hành các quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Các thông tin tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm cũng được đăng trên báo đài, cổng thông tin điện tử của các quận, huyện và các trang Facebook, hệ thống phát thanh, bảng tin tổ dân phố… để thông tin đến người dân rộng rãi hơn, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đồng chí Lê Thị Hoàng Ngân, Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa báo cáo công tác triển khai "Tháng hành động vì ATTP" năm 2024 |
Báo cáo công tác triển khai "Tháng hành động vì ATTP" năm 2024, đồng chí Lê Thị Hoàng Ngân, Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa cho biết: Hiện trên địa bàn quận có 3.877 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 2 trung tâm thương mại, 19 siêu thị và 9 chợ.
Trong đó, công tác tuyên truyền ATTP luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, Ban Chỉ đạo ATTP quận chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền ATTP bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về ATTP trên cổng thông tin điện tử của quận; tổ chức 135 lớp truyền thông về ATTP tại cộng đồng trong Tháng hành động vì ATTP với 6.815 người tham dự...
Nhắc nhở ý thức trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm
Song song với công tác tuyên truyền đối với người tiêu dùng, các quận, huyện tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn cho người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn...
Tại lễ phát động của các quận, huyện, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã ký cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện tốt bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức cấp biển nhận diện đối với các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đủ điều kiện ATTP trong chợ trên địa bàn |
Trong đó, cam kết nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.
Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.
Theo UBND huyện Hoài Đức, toàn huyện có 2.002 cơ sở thực phẩm. Trong Tháng hành động vì ATTP, huyện đã thành lập 23 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có 3 đoàn tuyến huyện và 20 đoàn tuyến xã, thị trấn. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, các đoàn kiểm tra của huyện đã kiểm tra 74 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở vi phạm.
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra tại địa bàn huyện Hoài Đức |
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Công tác bảo đảm ATTP được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành: Y tế, Kinh tế, Công an, Quản lý thị trường…
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cho cán bộ quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức về ATTP của chủ cơ sở và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt.
Theo thống kê, quận Bắc Từ Liêm có một số làng nghề truyền thống liên quan đến thực phẩm như: Sản xuất bánh mứt kẹo phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo; sản xuất đậu phụ phường Liên Mạc; sản xuất giò chả phường Thượng Cát, Thụy Phương…
Trước đây, việc sản xuất tại các làng nghề chủ yếu là các hộ gia đình nhỏ lẻ, thủ công, khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm
Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận cho biết, triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024, từ ngày 15/4 đến nay, quận Bắc Từ Liêm đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra. Các đoàn đã kiểm tra, giám sát 512 cơ sở, trong đó, xử phạt 26 cơ sở vi phạm (đạt 5,1%) với tổng số tiền 125 triệu đồng; tịch thu 1.880kg thịt đông lạnh.
Không chỉ riêng trong Tháng hành động vì ATTP, nhiều năm nay, công tác đảm bảo ATTP được triển khai đồng bộ từ quận đến phường. Trong đó, quận tập trung vào công tác hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, đồng thời xử phạt nghiêm vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP (nếu có).
Từ đó, việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở. Hiện nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề đã đầu tư trang thiết bị cho sản xuất kinh doanh thực phẩm, ý thức đảm bảo ATTP đã tốt hơn. Nhiều sản phẩm của các làng nghề tại Bắc Từ Liêm đã gây dựng được thương hiệu uy tín với người tiêu dùng, đạt tiêu chuẩn OCOP.
(Còn nữa)