Vì sao phụ nữ mang thai thường nghén đồ ngọt ?
Nghén ngọt hay chua không quyết định giới tính thai nhi
Dân gian thường truyền nhau rằng nghén ngọt sinh con trai, nghén chua sinh con gái. Tuy nhiên, đây chỉ ra quan niệm do cha ông ngày xưa truyền lại, chưa có minh chứng khoa học cụ thể. Trên thực tế, nhiều mẹ bầu sinh con gái mặc dù quá trình mang thai rất thèm ngọt.
Theo thống kê cho thấy, có tới 40% bà mẹ mang thai có xu hướng thích những đồ ăn có vị ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt... hơn những đồ ăn khác mặc dù trước khi mang thai không hề có hiện tượng này.
40% bà mẹ mang thai có xu hướng thích những đồ ăn có vị ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt... |
Nguyên nhân của vấn đề này được giải thích là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người mẹ khi mang thai dẫn đến sự thay đổi về khẩu vị, có người thèm ngọt, có người thèm chua nhưng lại có những người sợ hãi đồ ăn.
Thông thường, tình trạng này thường xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ và giảm dần ở những tháng sau đó. Đối với những bà bầu nghén ngọt, việc sử dụng những thức ăn chứa nhiều đường sẽ làm giảm bớt các triệu chứng ốm nghén.
Các thai phụ có thể kiểm soát tình trạng nghén ngọt bằng cách không sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt có gas cùng một lúc và nhiều lần trong ngày.
Bà bầu nên ưu tiên sử dụng những thực phẩm chứa đường tự nhiên như các loại hoa quả ngọt thay vì đường tinh thế. Điều này vừa giúp các bà mẹ khắc phục cơn thèm ngọt, vừa khiến cơ thể nhận được các vitamin tốt.
Chế độ ăn của các bà bầu nên ăn thêm các thực phẩm tốt cho cơ thể như rau xanh, sữa tươi, sữa chua, hoa quả; Chia nhỏ bữa ăn, bà bầu nên ăn tầm 5-6 bữa một ngày; Không nên ăn cố định một loại thực phẩm yêu thích, sử dụng thực phẩm đa dạng để cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể như: Đạm, béo, chất xơ, vitamin và khoáng.
Ăn quá nhiều đồ ngọt không tốt cho sức khỏe các bà bầu
Bác sĩ Nguyễn Thị Ly, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: "Đồ ngọt thường dễ gây kích thích vị giác, giúp bà bầu có tinh thần thoải mái, sảng khoái hơn. Tuy nhiên ở nhiều mẹ bầu nghén đồ ngọt, họ chỉ thích và chỉ ăn uống các thức ăn ngọt, các loại thực phẩm khác không hợp khẩu vị.
Vì thế nghén đồ ngọt khi mang thai là hết sức bình thường, giúp mẹ bầu có thể ăn uống ngon miệng hơn, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé. Tuy nhiên, ngoài thức ăn, đồ uống ngọt, nếu không bổ sung cân bằng các dưỡng chất khác hoặc ăn ngọt quá đà thì sẽ gây nhiều tác hại".
Bà bầu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi |
Theo các nghiên cứu, trung bình 7 phụ nữ mang thai lại có một người mắc tiểu đường thai kỳ. Đây là tình trạng đường huyết tăng cao trong suốt thời gian mang thai, một phần do tăng tiết insulin để cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho thai nhi, một phần do chế độ ăn của mẹ bầu. Đó là lý do tại sao những bà bầu bị nghén đồ ngọt có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ.
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn ngọt như chè, trà sữa, bánh kẹo… không những gây tiểu đường cho mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Đường dư trong máu mẹ được chuyển qua nhau thai, tiếp tục làm tăng glucose trong máu thai nhi. Kết quả cơ thể trẻ tăng tiết insulin để chuyển hóa lượng đường lớn này, khiến bé phát triển lớn hơn, gây nhiều nguy hiểm và biến chứng sinh nở.
Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí kéo dài đến khi đứa bé trưởng thành.
Bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ dễ bị đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê. Bệnh còn làm gia tăng tỷ lệ dị tật thai, rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ).
Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay. Thậm chí thai có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có dấu hiệu báo trước.
Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da. Các bé này có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành.
1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời là quãng thời gian quan trọng, có yếu tố quyết định chất lượng sức khỏe của mỗi đứa trẻ. Quãng thời gian này được tính ngay từ lúc mầm sống đầu tiên được hình thành trong bụng mẹ, bao gồm cả giai đoạn mang thai.
Vì vậy, khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe xảy ra với thai phụ trong thai kỳ đều có thể trở thành những nguy cơ đối với thai nhi và để lại những hệ lụy lâu dài.
Để phòng tránh các nguy cơ trên, bác sĩ khuyên tất cả phụ nữ có thai nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT) uống 75g glucose để tầm soát, phát hiện và điều trị đái tháo đường thai kỳ kịp thời.
Bà bầu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi; Hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo để giảm nguy cơ mắc bị tiểu đường.