Đổi mới các hình thức tuyên truyền về an toàn thực phẩm
Chuyển biến tích cực trong công tác xử lý vi phạm ATTP
Hiện tại, toàn huyện có 6.874 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Thanh Trì đã thành lập 64 đoàn kiểm tra liên ngành, 6 đoàn kiểm tra tuyến huyện, 58 đoàn kiểm tra tuyến xã.
Các đoàn đã kiểm tra, giám sát được 1.111 cơ sở; trong đó có 150 cơ sở tuyến huyện, 961 cơ sở tuyến xã. Qua kiểm tra thực tế, về cơ bản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chấp hành các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP kiểm tra tại Công ty cổ phần Davicorp Việt Nam, huyện Thanh Trì |
Tuy nhiên, một số cơ sở vi phạm quy định, như người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm...
Huyện đã tiến hành xử phạt hành chính 33 cơ sở với số tiền 177,79 triệu đồng; hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy trị giá 75,59 triệu đồng.
Xuyên suốt cả năm, công tác kiểm tra chuyên ngành, liên ngành, xử lý vi phạm ATTP được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đặc biệt phục vụ các đợt cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội xuân; Tháng hành động vì ATTP; Tết Trung thu; từng bước ngăn ngừa được các hành vi vi phạm các điều kiện đảm bảo ATVSTP.
Tuyến xã, thị trấn đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực ATTP. Công tác kiểm tra tại các tuyến xã, thị trấn được thực hiện thường xuyên. Nhiều năm qua, huyện Thanh Trì không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.
Bên cạnh đó, huyện duy trì các mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như: Mô hình trồng rau thủy canh với diện tích 2.600m²; mô hình nhóm hộ trồng rau hữu cơ tại xã Duyên Hà liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Anstcom với giá thành ổn định, diện tích bước đầu đạt 1,4ha; mô hình nhóm hộ có liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn (RAT) với 203 hộ tham gia (tăng 53 hộ so với đề án) ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với HTX An Phát, Công ty Davicorp, HTX Đại Lan... với diện tích 37ha, giá thu mua ổn định và cao hơn giá thị trường từ 10-15%.
Năm 2024, UBND huyện Thanh Trì đã bố trí 1 điểm xét nghiệm nhanh tại chợ Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai để thực hiện xét nghiệm nhanh thực phẩm.
Tăng cường công tác tập huấn đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể trường học
Công tác truyền thông về ATTP tại huyện cũng liên tục đổi mới đa dạng các hình thức như: Xây dựng chuyên trang chuyên mục về ATTP, nêu danh sách các cơ sở bảo đảm ATTP lên Website ngành cho Nhân dân biết và lựa chọn, nêu cơ sở không bảo đảm ATTP lên phương tiện thông tin đại chúng.
Việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi hành vi, ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người dân, huyện Thanh Trì đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn để nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh, trực tiếp sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Tại các buổi tập huấn, các chủ cơ sở còn được tuyên truyền, hướng dẫn về những điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất kinh doanh; chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; các chính sách, pháp luật của Trung ương và TP Hà Nội về chất lượng, ATTP; cách nhận diện một số mối nguy về ATTP, lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể Trường Mầm non A Vạn Phúc, huyện Thanh Trì |
Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo vừa phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì tổ chức 3 lớp truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho gần 400 cô nuôi, người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, chủ các nhóm lớp mầm non độc lập trên địa bàn huyện.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 64 trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập và 12 trường Mầm non tư thục tổ chức ăn bán trú. Hiện nay, 100% bếp ăn tại các trường học đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP.
Tại đây, các học viên được cán bộ Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại trường học; cách lựa chọn, bảo quản một số loại thực phẩm thông thường.
Các lớp tập huấn đã giúp học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng xử lý khi xảy ra tình huống liên quan đến an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe học sinh.