Hà Nội tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Nỗi lo “ẩm thực đường phố” tại các điểm du lịch
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, mỗi du khách thường chi trung bình 1/3 tổng chi phí của chuyến đi cho các hoạt động liên quan ẩm thực. Điều này chứng tỏ ẩm thực không đơn thuần là việc ăn, uống mà còn là sự khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của mỗi điểm đến.
Nhiều năm qua, ẩm thực đường phố đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội và cũng là một điểm nhấn cuốn hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ẩm thực đường phố Hà thành ấn tượng đối với khách du lịch |
Những món được du khách nước ngoài chú ý nhất là phở, chả giò, bánh xèo, bún bò, bún thịt nướng, gỏi cuốn… đã được rất nhiều kênh thông tấn lớn của thế giới như CNN Travel, CNN, National Geographic quảng bá khắp thế giới.
Những gánh hàng rong, hàng quán nhỏ tấp nập thực khách; Những chiếc xe đẩy bán đủ loại nước giải khát, đồ ăn vặt lại chính là những hình ảnh quen thuộc tạo nên sự độc đáo của ẩm thực đường phố Hà thành.
Tuy nhiên, chính do việc chế biến và bày bán tại các nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn vỉa hè, gánh hàng rong mà vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đáng lo ngại hơn.
Chưa kể đến, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 luôn là khoảng thời gian các điểm du lịch phục vụ “hết công suất”.
Lượng khách tăng mạnh, nhiều nhà hàng, quán ăn không còn đảm bảo đủ các bước vệ sinh an toàn thực phẩm như ngày thường. Bên cạnh đó, việc bảo quản quá nhiều đồ ăn cũng khiến cho thực phẩm bị giảm chất lượng.
Du khách “quá tải dễ dẫn đến tình trạng nấu nướng sơ sài, công tác vệ sinh không đảm bảo, nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng rất khó có thể quản lý sát sao những quán ăn nhỏ lẻ, cửa hàng rong vỉa hè. Người bán hàng chế biến thức ăn còn thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất dễ gây ra các vụ ngộ độc.
Điều kiện mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh so với thời tiết bình thường.
Cùng với đó, sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... khiến thực phẩm dễ ô thiu, thối hỏng; Sự cẩu thả cộng với nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra để bảo đảm an toàn thực phẩm |
Với phố đi bộ và nhiều điểm danh lam thắng cảnh, quận Hoàn Kiếm cũng là nơi thu hút đông khách du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Theo báo cáo về công tác an toàn thực phẩm của quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận hiện có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong quý I/2023, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 877 cơ sở, xử phạt 63 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 291 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra, xét nghiệm nhanh tinh bột tại các nhà hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết: “Qua công tác triển khai kiểm tra an toàn thực phẩm, quận cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác này, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở”.
Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các khu du lịch
Chuẩn bị đón du khách trong nước và quốc tế trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15/4 - 15/5), đồng loạt 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã ra quân kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ từ rất sớm.
Thành phố cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (đứng giữa) kiểm tra công tác an toàn thực phẩm |
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: “Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội là một trong những địa phương đón rất đông lượt khách du lịch. Giai đoạn nghỉ lễ, các đơn vị phụ trách công tác an toàn thực phẩm theo Quyết định số 28 của UBND thành phố Hà Nội “Quy định phân công, phân cấp quản lý về An toàn thực phẩm” vẫn liên tục được triển khai. Các đoàn thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra còn do thói quen ăn uống khá dễ dãi của các thực khách.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra các kho bảo quản thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm |
GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, thói quen ăn lẫn nhiều loại thực phẩm cùng lúc cũng gây hậu quả xấu cho đường tiêu hóa.
“Khi đi du lịch, thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước, men tiêu hóa... là những loại thuốc luôn phải có trong vali. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nên uống dung dịch điện giải để bù nước cho cơ thể. Sau đó, bệnh nhân hãy tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị", GS.TS Lê Thị Hương cho hay.
Ngoài ra, dụng cụ ăn (bát đũa, thìa…) nếu không được rửa và vệ sinh sạch sẽ cũng có thể là nguồn lây hoặc nhiễm bệnh. Trước khi sử dụng, chúng ta nên dùng giấy khô hoặc giấy ướt tự chuẩn bị để lau. Các món tái, gỏi thường là thức ăn hấp dẫn và được chế biến từ thực phẩm tươi nhưng khi đi du lịch nên hạn chế “mạo hiểm” với món ăn này.