Hiệu quả từ mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm”
Nâng cao ý thức của người bán hàng cũng như người tiêu dùng
Ẩm thực đường phố lâu nay vẫn để lại nhiều ấn tượng không tốt đối với thực khách với những quán ăn vỉa hè nhếch nhác, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, ẩm thực đường phố là một nét văn hoá đặc sắc của Thủ đô Hà Nội và cũng là một điểm nhấn cuốn hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để giải quyết vấn đề này, thành phố Hà Nội đã xây dựng thí điểm có hiệu quả và đang nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát” từ năm 2018.
Các nhà hàng trong khu vực chợ ẩm thực Ngọc Lâm "Tuyến phố ATTP có kiểm soát" được xây dựng khang trang, cảnh quan xanh sạch đẹp |
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố trước đây chủ yếu là tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm.
Do đó, để có thể triển khai mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” từ việc thí điểm tại 8 quận, huyện cho đến nhân rộng 14 quận, huyện như hiện nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã tập trung triển khai chu đáo từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn cho người kinh doanh 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đến nay, theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, nhìn chung tại các “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về ATTP của người kinh doanh và người tiêu dùng.
Từ năm 2018, UBND quận Long Biên (Hà Nội) đã tổ chức gắn biển công nhận chợ ẩm thực tổ 27 phường Ngọc Lâm đạt “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”.
UBND phường Ngọc Lâm cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sau hơn 4 năm triển khai, chợ ẩm thực Ngọc Lâm đã những thay đổi rõ rệt với cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp; các nhà hàng, cửa hàng ăn uống khang trang, lịch sự, đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP) và văn minh thương mại.
Đặc biệt, mô hình đã có chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP đối với người bán hàng. Thông qua mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng đã tăng; Điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định bảo đảm ATTP của chủ cơ sở được cải thiện, nhận thức về vai trò quản lý của các cấp chính quyền được nâng cao.
Việc nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát trên toàn thành phố sẽ góp phần quan trọng đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đi vào nền nếp và người tiêu dùng cũng sẽ yên tâm và tin tưởng hơn khi sử dụng dịch vụ.
Tăng cường đảm bảo kiểm soát thức ăn đường phố
Cùng với đó, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng toàn thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP. Ngoài ra, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng được các quận, huyện liên tục tiến hành hàng tháng, hàng quý đặc biệt tại các tuyến phố ATTP có kiểm soát.
Trong tháng 4 - tháng 5/2022, quận Cầu Giấy đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong đó 1 đoàn kiểm tra do Phòng Y tế chủ trì, 1 đoàn kiểm tra do Phòng kinh tế chủ trì để rà soát, củng cố duy trì 11 tuyến phố ATTP có kiểm soát và tham mưu Hội đồng Nhân dân tổ chức phiên giải trình về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” trên địa bàn quận.
Phố Duy Tân (quận Cầu Giấy) là một trong những tuyến phố thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” |
Ngày 8/6, Thường trực HĐND quận Cầu Giấy đã tổ chức phiên giải trình việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP tại “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” trên địa bàn quận.
Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến cho biết, công tác đảm bảo ATTP nói chung và tại các tuyến phố ATTP có kiểm soát còn nhiều khó khăn, phức tạp, các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện công tác quản lý còn nhiều bất cập…
Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn quận Cầu Giấy đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quận Ba Đình là một trong 8 quận, huyện triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” từ năm 2018 đến nay, không chỉ góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm cũng như thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống của người dân mà còn hình thành nét văn minh mới trong kinh doanh thương mại.
Kiểm tra các giấy tờ về nguồn gốc thực phẩm, hoá đơn chứng từ tại quận Ba Đình |
Ông Lã Ngọc Sang, Phó trưởng Phòng Y tế quận Ba Đình cho biết: "Mặc dù ảnh hưởng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, Quận Ba Đình cũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình điểm về ATTP tại 4 tuyến phố: Núi Trúc (phường Kim Mã, phường Giảng Võ); Quán Thánh (phường Quán Thánh); phố Láng Hạ (phường Thành Công); Phố Văn Cao (phường Liễu Giai); Tuyến phố Phạm Huy Thông (phường Ngọc Khánh).
Quận tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tại các tuyến phố ATTP có kiểm soát; Chỉ đạo thực hiện đảm bảo mỗi phường có ít nhất 1 cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch trên địa bàn".
Tuy nhiên, ông Sang cho biết, trong quá trình thanh kiểm tra cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có gián đoạn trong thời gian dài thực hiện phòng chống dịch COVID-19, một số cơ sở dịch vụ ăn uống cũ đóng cửa, cơ sở mới được thực hiện hoạt động trở lại. Các cơ sở kinh doanh có biến động về loại hình kinh doanh, cơ sở vật chất xuống cấp, thay đổi địa điểm, nhân viên.