Kỳ 2: Xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn gặp "khó"
"Khó" xử lý các cơ sở nhỏ lẻ, tự phát
Nhìn chung, công tác xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh trong thời gian một tháng diễn ra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP), tuy nhiên tại nhiều địa phương, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhất là tuyến xã, thị trấn.
Tại huyện Ứng Hòa, 2 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện đã kiểm tra được 61 cơ sở thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, qua đó phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 9,5 triệu đồng.
Cán bộ Khoa Y tế công cộng và ATTP Trung tâm Y tế Ứng Hòa đang kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn |
Qua việc triển khai thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Ứng Hòa Trần Ngọc Long cho rằng, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và trình độ quản lý, chuyên môn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc đặt ra. Thêm vào đó, tại một số xã còn xảy ra tình trạng nể nang “tình làng, nghĩa xóm” nên chưa quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trong khi đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong quý I/2023, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 877 cơ sở, xử phạt 63 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 291 triệu đồng.
Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, qua công tác triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác ATTP, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhắc nhở các nhân viên đảm bảo an toàn thực phẩm khi sơ chế rau củ quả |
Cũng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, toàn huyện Mỹ Đức đã kiểm tra được 475 cơ sở, trong đó tuyến huyện kiểm tra 81 cơ sở và tuyến xã, thị trấn kiểm tra 394 cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện 23 cơ sở vi phạm và xử phạt 6 cơ sở với số tiền là 12 triệu đồng, còn lại 17 cơ sở được nhắc nhở khắc phục sai phạm.
Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm của chính quyền một số xã còn chậm. Mặt khác, đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và cơ bản là thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm. Ngoài ra, huyện cũng đang thiếu các test xét nghiệm nhanh kiểm tra chất lượng thực phẩm…
Với đặc thù tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, khu cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống, quận Bắc Từ Liêm có 4.317 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 12 chợ có ban quản lý, có chợ đầu mối phân phối thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thuận, Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Về kết quả kiểm tra, giám sát, toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 367 cơ sở (trong đó: Quận kiểm tra 32 cơ sở; Tuyến phường kiểm tra 335 lượt cơ sở) và xử phạt vi phạm hành chính 36 cơ sở (quận: 10 cơ sở; phường 26 cơ sở) với số tiền 165,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn tồn tại do số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ thường xuyên biến động.
Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép đăng ký kinh doanh tuyển phường quản lý gặp nhiều khó khăn.
Tình hình vận chuyển buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh vận chuyển gia cầm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết hàng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm."
Tăng cường hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý địa phương
Để việc kiểm tra không rơi vào tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa", Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết: "Quan điểm chung của thành phố là phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP, phải xử lý theo đúng quy định; Tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
Để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì ATTP đạt hiệu quả, công tác kiểm tra cần xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời tuyên truyền công khai các vi phạm này trên phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo ATTP các địa phương phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở".
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với quận Bắc Từ Liêm |
Không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, công tác quản lý an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường thường xuyên, liên tục. Để đạt hiệu quả cao, cơ quan chuyên môn của thành phố tiếp tục có kế hoạch hướng dẫn, tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của các địa phương, như: Quy định xử phạt, thẩm tra, cấp phép, xử lý các mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm trên địa bàn…
Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Hiện đã có sự phân cấp quản lý tương đối rõ ràng theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng. Do đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; trong đó chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn trường học, cơ quan, xí nghiệp, chợ đầu mối… Cùng với đó, thường xuyên rà soát việc cấp phép an toàn thực phẩm, thẩm tra các cơ sở về điều kiện kinh doanh, sản xuất bảo đảm đúng quy định…”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.